Theo số liệu của Chương trình Chống lao quốc gia, những năm gần đây, mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 130.000 người bị lao và trên 90% tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của công tác phòng, chống bệnh lao hiện nay là số người bị bệnh lao tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) còn thấp và có xu hướng giảm. Điều này không chỉ khiến người bệnh phải lo gánh nặng chi phí mà chiến lược tiến tới đẩy lùi bệnh lao của Chính phủ đề ra cũng gian nan.
Tỷ lệ mắc và kháng thuốc vẫn cao
Theo Chương trình Chống lao quốc gia, mỗi năm Việt Nam chứng kiến gần 17.000 người chết do bệnh lao. Đây là con số không nhỏ mặc dù sự chẩn đoán và điều trị lao không còn khó khăn như trước đây. Ngoài ra, mỗi năm lại có thêm ít nhất 130.000 người mắc lao mới. Riêng tại TPHCM, mỗi năm có khoảng 13.000 người mắc lao mới được nhận điều trị. Theo TS-BS Nguyễn Huy Dũng, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao TPHCM, tỷ lệ bệnh nhân mắc các loại lao tại thành phố là 200/100.000 dân. Quá trình điều trị và khảo sát cho thấy mỗi năm TPHCM có gần 500 người tử vong do liên quan đến bệnh lao…
|
Theo nhận định của Bộ Y tế, phần lớn những ca mắc mới nếu được phát hiện sớm sẽ chữa khỏi và bằng chứng là qua thống kê, mỗi năm Chương trình Chống lao quốc gia chữa khỏi cho 92% số bệnh nhân mới phát hiện. Điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh lao phân bố gần như trên khắp cả nước, tập trung nhiều ở phía Nam. Tuy nhiên, đáng báo động là phần lớn người mắc lao rơi vào nhóm tuổi trẻ, nhiều nhất ở độ tuổi 35 - 44. Điều đáng quan ngại, là tỷ lệ đăng ký điều trị giảm so với thực tế, nhất là ở nhóm bệnh nhân tuổi 15 - 24, trong khi đây là đối tượng bị tác động nhiều nhất bởi HIV và nghiện ma túy. Không chỉ giảm tỷ lệ bệnh nhân lao đăng ký điều trị tại các cơ sở y tế mà bệnh nhân bỏ điều trị giữa chừng cũng khá cao.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, cho biết tình trạng lao kháng thuốc cũng đang đặt ra nhiều vấn đề quan ngại. Theo TS Nhung, hiện tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc ở bệnh nhân lao mắc mới (ở Hà Nội) chiếm khoảng gần 3%. Tại Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch TPHCM, trong 11 tháng của năm 2014, BV điều trị 502 bệnh nhân bị lao kháng thuốc, trong đó có 446 bệnh nhân thành phố và 56 bệnh nhân của các tỉnh. Bệnh nhân lao nhiễm HIV hàng năm cũng chiếm từ 7% - 10% tổng số bệnh nhân lao. Có ba nhóm nguyên nhân khiến bệnh nhân đang điều trị lao kháng thuốc gồm: Những nguyên nhân thuộc về vi khuẩn (do đột biến gen của vi khuẩn); do bệnh nhân bỏ điều trị, không tuân thủ điều trị đầy đủ; những người tham gia quá trình điều trị giám sát bệnh nhân không chặt chẽ, cho bệnh nhân uống thuốc không theo hướng dẫn của chương trình. “Việc điều trị cho bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc phức tạp hơn về mặt ca bệnh, thời gian, thuốc và công tác quản lý, giám sát bệnh nhân”, TS Nhung cho biết.
Điều trị bệnh nhân lao nội trú tại BV Phạm Ngọc Thạch TPHCM.
Chưa ý thức bảo hiểm y tế
Theo các chuyên gia về lao phổi, bệnh lao hiện không còn là bệnh nan y như trước đây, việc điều trị cũng rất khả quan. Với bệnh nhân lao đã được chẩn đoán mà không được điều trị thì 50% sẽ tử vong trong vòng 5 năm. Nhưng nếu được điều trị đúng thì tỷ lệ khỏi ở nhóm bệnh nhân không kháng thuốc lên tới trên 90%, ở nhóm bệnh nhân kháng thuốc là 70%. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy chỉ có 20% bệnh nhân lành bệnh và tới 77% bỏ điều trị. Nhiều ý kiến cho rằng một lượng lớn bệnh nhân mắc lao không chịu đi điều trị hoặc không được phát hiện mắc lao có thực tế một phần do chi phí điều trị. Theo TS Nguyễn Huy Dũng, dân nhập cư đang được các chuyên gia y tế băn khoăn nhất về mắc bệnh lao. Qua khảo sát của BV Phạm Ngọc Thạch, ước tính trung bình khoảng 25% - 30% bệnh nhân lao là người nhập cư. Với đặc tính lao động chân tay, thời vụ, chỗ ở không ổn định, những bệnh nhân lao nhập cư đã làm gia tăng tỷ lệ bỏ điều trị và chuyển nguồn lây đi các địa phương khác. Trong khi, một liệu trình điều trị bệnh lao ít nhất là 8 tháng và nếu kháng thuốc phải trên 24 tháng. Điều này là khó khăn đối với dân nhập cư phần lớn không có BHYT.
Đáng chú ý, năm 2015, tỷ lệ người bệnh lao có BHYT tại TPHCM đã giảm từ 64% (năm 2014) xuống còn 58%. Với trung bình 13.000 bệnh nhân lao đăng ký điều trị ngoại trú ở 24 quận, huyện hàng năm, ước tính có khoảng 5.500 người không có BHYT. Theo BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, dự kiến đến năm 2016, BHYT có thể sẽ chi trả thuốc phòng chống lao cho người dân, nếu không tham gia BHYT, những bệnh nhân lao sẽ không được hưởng quyền lợi và gia tăng thêm gánh nặng trong quá trình điều trị.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Huy Dũng, năm 2014 công tác phòng chống bệnh lao tại TPHCM khó khăn do nguồn kinh phí bị cắt giảm 50%. Điều này đang là thách thức lớn bởi những người mắc bệnh lao, các triệu chứng thường không rõ ràng trong nhiều tháng dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị, trở thành nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác... Vì vậy, đại diện Chương trình Chống lao TPHCM đề nghị chính quyền địa phương, ngành y tế, các ban ngành đoàn thể cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục về nguy cơ của bệnh lao, lợi ích của BHYT cũng như chung tay hỗ trợ để đẩy lùi bệnh lao.
|
TƯỜNG LÂM