Gánh nặng nợ quốc gia trên vai ai?

Nước Pháp những ngày tới được dự báo sẽ tiếp tục chìm trong bất ổn khi ngày 27-10, với tỷ lệ 336 phiếu thuận và 233 phiếu chống, Quốc hội nước này đã thông qua kế hoạch cải cách chế độ hưu trí gây nhiều tranh cãi, dẫn đến những cuộc biểu tình của hơn 2,5 triệu người suốt hai tháng qua.

Cải cách lương hưu luôn là vấn đề nhạy cảm có tính truyền thống ở Pháp, đất nước vẫn tự hào về hệ thống phúc lợi hào phóng nhất châu Âu. Cuộc tranh đấu giữa phản đối cải cách và kiên định cải cách đã kéo dài trong suốt lịch sử chế độ phúc lợi xã hội hiện đại Pháp.

Với cam kết đưa nền kinh tế Pháp thoát khỏi tình trạng ảm đạm, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã mạnh tay thay đổi chính sách hưu trí, theo đó nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động thêm 2 năm, từ 60 lên 62 tuổi và tuổi nhận đầy đủ lương hưu từ 65 lên 67 tuổi.

Theo Điện Élysee, đề xuất cải cách nâng số tuổi nghỉ hưu nói trên có thể giúp tiết kiệm được 70 tỷ EUR và là biện pháp cần thiết để kiềm chế thâm hụt ngân sách dành cho hệ thống lương hưu do số người già nhiều lên và tuổi thọ của người dân ngày càng tăng (xấp xỉ 80). Nghĩa là một người về hưu lúc 60 tuổi sẽ có đến hai thập kỷ ngồi không ăn lương. 

Thế nhưng, những người phản đối cho rằng kế hoạch này đã đặt gánh nặng nợ công lên vai hàng triệu người lao động có trình độ học vấn hoặc tay nghề thấp, những người rất dễ bị mất việc và hầu như không có hy vọng tìm được việc làm ở tuổi xế chiều.

Thực tế cho thấy chế độ hưu trí đã phát huy tác dụng rất lớn trong mục tiêu mang lại ổn định xã hội. Phải đến năm 2010, thế hệ những người sinh ra sau Thế chiến II mới bước vào tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, những gì đã, đang và sẽ diễn ra cảnh báo tương lai chế độ hưu trí Pháp khó ổn định. Liệu người Pháp có bằng lòng đóng góp 20% khoản tiền lương hàng tháng cho chế độ hưu trí mà trong vài chục năm tới không biết sẽ diễn biến ra sao?

Người lao động Pháp hoàn toàn có lý khi cho rằng chính phủ chỉ quan tâm đến những con số liên quan đến chính sách cắt giảm chi tiêu mà không quan tâm đến số phận của họ. Lẽ ra Điện Élysee không nên chỉ trút gánh nặng nợ quốc gia lên vai giới lao động bình dân mà nên tăng đáng kể mức đóng góp vào quỹ hưu trí đối với những người có thu nhập cao.

Theo dự luật, những người giàu nhất chỉ đóng vào quỹ lương hưu 1% thu nhập, trong khi giới công chức phải trích đến 3% thu nhập. Giữ người già ở lại làm việc, tức là người trẻ sẽ bị ngồi chờ thêm vài năm sau khi ra trường mới có việc làm.

Người Pháp tự hỏi sao chính phủ không tập trung tạo thêm công ăn việc làm để giải quyết nạn thất nghiệp trên 10% - mức cao nhất trong cả thập niên, góp phần đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng…

Vẫn biết rằng tăng tuổi về hưu có thể giúp giảm gánh nặng ngân sách nhưng đó không phải một chính sách vì con người. Một tâm lý bất an bao trùm nước Pháp trước bước đi quá nhanh của tiến trình cải cách

XUÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục