Gáo nước lạnh phũ phàng nhất

Thất bại đầu tiên trong các kỳ EURO kể từ 2004 đến nay đã rơi ngay vào một trận đấu mà Tây Ban Nha chiếm ưu thế về nhiều mặt, rơi vào đúng thời điểm quá kịch tính và nhạy cảm là phút 87, rơi vào giữa những ngày mà khắp nơi đều xem Tây Ban Nha là ứng viên thật sự số 1 của EURO kỳ này. Như vậy thì làm sao tránh khỏi bàng hoàng...

Thất bại đầu tiên trong các kỳ EURO kể từ 2004 đến nay đã rơi ngay vào một trận đấu mà Tây Ban Nha chiếm ưu thế về nhiều mặt, rơi vào đúng thời điểm quá kịch tính và nhạy cảm là phút 87, rơi vào giữa những ngày mà khắp nơi đều xem Tây Ban Nha là ứng viên thật sự số 1 của EURO kỳ này. Như vậy thì làm sao tránh khỏi bàng hoàng...

Phản ứng của các ngôi sao Tây Ban Nha ở bàn thua thứ 2.

1- Giá mà trận đấu có thể dừng lại ở ngay chỗ cú sút của Aduriz bị cản lại thì vẫn có thể coi là một kết quả đáng bằng lòng. Lượt trận cuối cùng của bảng D đã vào đến phút 87, tỷ số là 1-1 và theo đó thì ngôi đầu bảng chung cuộc vẫn thuộc về Tây Ban Nha.

Thế nhưng, ngay lúc ấy đã xảy ra một pha phản công có thể xem như là nhanh bằng một tia chớp của giới khí tượng. Quả bóng từ chỗ tiền đạo Tây Ban Nha vừa bật ra, một chiếc áo xanh Croatia đã tức khắc xỉa lên trên một đường chuyền gần 40m. Ở đó, có một chiếc áo xanh thứ 2 nhanh nhẹn lấy bóng, thoăn thoắt đi bóng hơn 20m nữa rồi đẩy tiếp lên cho chiếc áo xanh thứ 3. Đó là Ivan Perisic. Dấn thêm vài nhịp, anh ta mạnh dạn tung một cú sút sệt chân trái vào ngay góc khép của thủ thành David de Gea.

Như vậy, Croatia đã đưa quả bóng vượt qua hơn 80m - gần hết chiều dài sân cỏ - chỉ trong đúng 10 giây đồng hồ và cũng chỉ cần 2 đường chuyền mà thôi. Quá mau lẹ, quá thuần thục, quá lợi hại. Cho dù đã quen với sự khôn lường của giải đấu kỳ này, cho dù đã “rành” cái sự nhanh-mạnh nhưng khéo của đội bóng này, người ta vẫn không khỏi thảng thốt trước sự kịch tính cũng như cái chất sát thủ ở pha bóng ấy.

2- Với bên thua cuộc, sẽ còn bàng hoàng hơn. Cái vẻ ngây dại của De Gea, nét mặt đăm chiêu của trung vệ đội trưởng Ramos cho thấy điều đó.

Đúng vậy, đội hình Tây Ban Nha đã chiếm ưu thế cầm bóng 68,2%, thực hiện 679 đường chuyền (hơn gấp đôi Croatia) với tỷ lệ thành công 91%, phối hợp trơn tru đến mức không hề dính thẻ vàng nào (Croatia bị 4 thẻ). Họ dồn dập tấn công trên toàn tuyến. Họ mở tỷ số ngay ở phút thứ 7 nhờ công tiền đạo Morata. Sau khi bị Kalinic gỡ 1-1 ở cuối hiệp 1, họ được hưởng một quả phạt đền ở phút 72. Áp đảo như thế, luôn có cơ hội rõ rệt để dẫn bàn như thế mà cuối cùng vẫn thua thì làm sao tránh khỏi bàng hoàng!

Cũng sẽ rất hụt hẫng nếu nhìn lại thời gian, nhìn sang chung quanh. Có một thống kê rằng trước khi gặp Croatia, Tây Ban Nha chưa hề thua trận nào ở các kỳ EURO trong suốt 12 năm qua, cũng chưa hề lọt lưới quả nào kể từ sau trận hòa Italia 1-1 ở EURO 2012. Vậy nhưng, vị thế của Tây Ban Nha nào chỉ là những kỷ lục đó. Họ đoạt Cúp thế giới năm 2010, họ vô địch EURO liên tiếp 2 kỳ gần đây. Ở EURO 2016 kỳ này, giữa lúc đa phần đối thủ tên tuổi nhất đều trầy trật, chưa bắt nhịp tốt, chưa phát huy được sức mạnh mà chỉ bộc lộ hạn chế, Tây Ban Nha đã nổi lên thành ứng viên thực sự số một - nhất là với trận thắng 3-0 quá hay trước Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh ấy, bàn thua phút 87 và trận thua Croatia 1-2 rõ ràng còn hơn cả gáo nước lạnh phũ phàng nhất.

3- Từ đây, cái câu hỏi vì sao thua chắc chắn sẽ trở nên thúc giục hơn bất cứ lúc nào.

Vì sao ư? Câu trả lời đầu tiên đương nhiên là tay nghề phản công của Croatia. Như đã nêu trên, đây là một đội hình đầy tính chiến đấu nhưng không hề kém khéo léo, có khả năng căng rất rộng các pha lên bóng bằng những vị trí chạy rất nhanh và chuyền rất mạnh nhưng nhận bóng vẫn rất dính.

Không chỉ có vậy, với những thành viên đang giữ vai trò chủ chốt ở các đội hình hàng đầu La Liga (như Modric ở Real, Rakitic ở Barcelona hay Mandzukic ở Atletico), Croatia quá rành rẽ lối chơi của các tuyển thủ Tây Ban Nha và đương nhiên đã phổ biến cho toàn đội mọi thông tin cần thiết. Cái cách Croatia ghi bàn ngay trước mũi giày của hậu vệ Tây Ban Nha đã chứng tỏ điều này: Để thắng những tiền vệ-hậu vệ Tây Ban Nha rất linh hoạt trong xử lý bóng, phải chuyền thật nhanh và thật chính xác vào những mét vuông mà đối phương không thể ngờ, đồng thời người nhận bóng cũng phải dứt điểm thật gọn lẹ chứ không thể kéo dài việc hãm bóng thêm vài phần trăm giây. Tiêu biểu nhất chính là bàn 1-1 bằng cú đánh gót điệu nghệ của Kalinic.

Trong khi Croatia thiện chiến như thế, Tây Ban Nha dường như lại không giữ được tầm cao của các trận trước đây. Vẫn là đội hình đã tìm được 6 điểm trước CH Séc và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn kiên trì tấn công trên khắp chiều ngang mặt sân với Nolito-Fabregas-Morata-Iniesta-Silva-Juanfran nhưng những bấp bênh đã lộ ra khá nhiều: Đôi tay của De Gea đã mấy lần hụt bóng hoặc để vuột bóng đầy nguy hiểm. Cặp trung vệ Ramos-Pique có đôi lúc tỏ ra chủ quan. Nhạc trưởng Iniesta nếu có chơi tốt thì cũng không còn tốt đến mức lỗi lạc như trước. Ngay cả Del Bosque cũng rất lạ lùng khi để một hậu vệ như Ramos sút quả phạt đền ở phút 72 - quả 11m ấy không thành.

4- Ba trận xuất phát cùng một thành phần, 2 trận thắng rồi một trận thua... Phải chăng vì Del Bosque đã lắp ghép các vị trí, đã gắn kết lối chơi hoàn hảo đến mức chỉ cần một vài chi tiết lỗi nhịp đôi chút là cả hệ thống lớn sẽ trật chìa theo? Rất có thể là như vậy - mặt trái của một đội ngũ hoàn hảo. Rất có thể đây chính là cái gót Achilles của nhà ĐKVĐ EURO. Vì thế, vai trò ứng viên vô địch sáng giá của Tây Ban Nha đương nhiên cũng cần được xem xét lại...

HƯNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục