Hiện nay hàng loạt tuyến đường ở TPHCM đang hư hỏng khiến ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Nhiều dự án thi công ì ạch do thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng...
Đường hư hỏng tràn lan
Người dân dọc hai bên đường Lũy Bán Bích (từ quận 6, 11, Tân Phú) đã bàn giao mặt bằng để nâng cấp mở rộng tuyến này mấy năm qua hiện vẫn sống trong cảnh hết sức khốn khổ mỗi lần xe ra vào nhà vì vỉa hè lởm chởm. Trụ điện, cây nhô ra cây thụt vào, trông rất chướng mắt. Đây là tuyến đường huyết mạch nối từ nút giao thông Phú Lâm quận 6 đến ngã tư Bà Quẹo quận Tân Phú. Mặt bằng đã được giải phóng, hệ thống cống thoát nước cũng đã hoàn chỉnh, thế nhưng hơn một năm qua con đường này vẫn chưa được mở rộng. Người dân nghe nền đường sẽ được nâng cao nên đua nhau nâng cao nền nhà lên 30cm - 40cm so với mặt đường hiện hữu. Thế là nền nhà cao chót vót, còn mặt đường bên ngoài như lòng chảo.
Tương tự, tuyến đường Trần Mai Ninh, phường 12, quận Tân Bình có mặt đường bong tróc loang lổ như tấm áo vá. Chạy xe trên đoạn đường này giống như dân đi “phượt” ở rừng núi. Hư hỏng nặng nhất là đoạn trước cổng khu vực chợ Bà Hoa. Anh Võ Văn Trí, ngụ ngay góc đường Trần Mai Ninh - Bàu Cát, bức xúc: “Không ngày nào không xảy ra tai nạn giao thông, nhất là chị em phụ nữ, chạy xe máy loạng choạng qua mấy ổ gà là đâm vào xe khác. Người dân than phiền dữ lắm nhưng chưa biết khi nào sửa chữa, chắp vá lại”.
Tại đường Kha Vạn Cân thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, giữa lề và mặt đường có một rãnh sâu, khiến nhiều người đi xe máy bị ngã. Trong khi đó, người dân hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh và Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) cũng đang mong chờ dự án nâng cấp sửa chữa, mở rộng những tuyến đường để thoát khỏi cảnh ngập nước, kẹt xe triền miên mỗi khi trời mưa hay triều cường. Ngoài ra, hiện còn hàng loạt tuyến đường đã và đang thi công nhưng tiến độ rất chậm. Đơn cử như công trình mở rộng tỉnh lộ 10, tuyến đường huyết mạch nối TPHCM với Long An thi công 4 năm qua vẫn dang dở…
Vốn khó khăn
Để khắc phục tình trạng xuống cấp đường Trần Mai Ninh, cơ quan chức năng quận Tân Bình cho rằng, trên địa bàn quận có nhiều đường hư hỏng như dân đã phản ánh, nhưng do vướng Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công nên quận không thể dùng ngân sách đầu tư những công trình không mang tính cấp bách. Hiện quận có kế hoạch mở rộng con đường này theo phương án Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cũng do thiếu vốn nên chậm triển khai thi công dự án mở rộng đường Lũy Bán Bích. Vừa qua, Ban Quản lý dự án đã đề nghị UBND TP sớm triển khai dự án này và lãnh đạo TP cũng thống nhất chủ trương dành vốn đầu tư nhưng đến nay dự án trên vẫn chưa được ghi vào kế hoạch vốn ngân sách TP đầu tư.
Theo Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn TP có 12 công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ. Đó là xây dựng Cầu Đỏ, mở rộng đường Bến Vân Đồn, xây dựng tỉnh lộ 10B, hoàn chỉnh nút giao cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM, xây dựng cầu Rạch Tra, mở rộng tỉnh lộ 10, mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xây dựng đường Vành đai Đông, đường nối đường Nguyễn Duy Trinh đến KCN Phú Hữu... Ngoài ra, còn hàng loạt công trình chưa thể triển khai được do thiếu vốn, mặc dù các công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài việc vốn ngân sách bị hạn chế nên không bố trí kịp nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, công tác huy động vốn ODA và các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng cũng đang gặp trở ngại. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay bên ngoài, lãi suất vay cao đã ảnh hưởng đến việc huy động vốn như dự án xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B... Chính vì thế, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách thì không biết bao giờ những tuyến đường này mới được nâng cấp, sửa chữa. Vì vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần năng động, tìm nguồn kinh phí đầu tư để nâng cấp những tuyến đường trên.
THÁI BÌNH