1. Những ngày ở Thái Lan, tôi được mọi người tặng cho biệt danh là “the last one” (“người cuối cùng”). Theo thông lệ quốc tế, thứ tự người đại diện hoặc đoàn đại diện được sắp xếp theo thứ tự chữ cái dựa theo tên quốc gia.
Xem các kỳ Olympic hoặc các đại hội thể thao quốc tế trên tivi thì biết: đoàn Việt Nam bao giờ cũng xuất hiện gần chót, chỉ trước các đoàn Yemen, Zambia, Zimbabwe hoặc xứ Wales nếu đảo quốc này không nhập chung với đoàn Anh. Ở nhà, ngồi trước màn hình, thấy cảnh đó bình thường. Đến khi chính mình bị lâm vào tình cảnh đó, mới biết thế nào là sốt ruột. Đọc thơ cũng lên sau cùng, hội thảo cũng bị gọi sau cùng, đọc diễn từ trong buổi gala trao giải cũng sau cùng, lên nhận tiền giải thưởng cũng sau cùng (riêng chuyện này thì phấn khởi nên không thấy sốt ruột lắm!).
Hôm các nhà văn được giải SEA Write Award gặp gỡ công chúng Thái Lan ở tầng 30 Ngân hàng Bangkok, các nhà thơ nhà văn Lào, Malaysia, Philippines nói chuyện trước, lâu ơi là lâu. Đã vậy sau đó giải lao đến nửa tiếng đồng hồ. Nhưng không như tôi nghĩ, sau giờ giải lao (có buffet nhẹ ngoài tiền sảnh), khán giả không ai ra về. Tiếp theo là hai nhà thơ Singapore và Thái Lan. Cuối cùng mới đến tôi (may mà hai nhà thơ Brunei và Indonesia vắng mặt).
Chị Panadda Lertlumamphai, chủ trì buổi hội thảo có lẽ ái ngại vì thấy tôi đợi lâu, liền thanh minh “Thứ tự này sắp theo alphabet, anh thông cảm”. Tôi cười “Không sao. Tôi không biết ở Thái Lan thì thế nào chứ ở Việt Nam những gì quý hiếm nhất thường xếp ở cuối cùng. Chẳng hạn trong các giấy mời họp hay hội nghị, phần “bữa tiệc thân mật” bao giờ cũng nằm cuối chương trình nghị sự”. Chị Panadda Lertlumamphai và khán giả phì cười, thế là không ai còn áy náy gì nữa!
2. Qua đây, tôi chơi thân nhất với Marjorie Evasco, nhà thơ Philippines, trêu nhau suốt. Hơi thân thân là Johar Bin Buang, nhà thơ Singapore. Khi biết tôi sinh năm 1955, Johar Bin Buang hí hửng khoe “Ê, vậy là tui với ông cùng tuổi”. Tối về khách sạn, lật tập kỷ yếu SEA Write Award ra xem, thấy ghi Johar Bin Buang sinh 1958. Tôi ngạc nhiên, bụng nghĩ hổng lẽ ở Singapore giấy khai sinh cũng lộn xộn giống mình.
Chợt nhớ nhà thơ Trần Đăng Khoa cứ khăng khăng với tôi là anh sinh năm 1956, trong khi tất cả mọi tư liệu về Trần Đăng Khoa đều ghi rõ 1958. Tôi định hỏi lại Johar Bin Buang nhưng rồi quên mất. Thơ Johar Bin Buang tràn ngập cảm hứng tôn giáo, nhưng không ít câu như “Trong khi ngủ/ chúng ta bước đi trên con đường sữa/ giữ chặt các vì sao lấp lánh trong tay/ và quan sát các cột ánh sáng...” hay “Tôi muốn thổi sáo/ ngay khi đang ở các vùng đất xa xăm”, đọc rất thích.
Thơ Marjorie Evasco trữ tình, giàu nữ tính. Tôi nói với chị tôi rất thích những câu thơ của chị: “Ngay trước khi chúng ta bắt đầu/ những âm thanh của gió từ các ngôi chùa cũ Ulun Danu/ rung lên trên các đầu ngón tay và các đầu ngón chân chúng ta. Các vũ công, Ni K’tut Reneng, biết rằng phải mất đến mười năm thiêng liêng/ để học được một cử chỉ vuốt ve của gió trên làn da của nước”.
Nghe tôi khen, Marjorie Evasco rất khoái, cười toe toét. Marjorie Evasco ở ngay Manila. Chị rủ tôi năm tới qua Philippines dự Hội sách chơi nhưng tôi chưa biết thế nào, đành ậm ừ theo kiểu Việt Nam “từ từ tính tiếp”.
3. Nhưng nhà thơ mà tôi khoái tò tò đi theo nhất là Zakariya Amataya, nhà thơ Thái Lan. Đơn giản vì trong bọn, chỉ có tôi và Zakariya Amataya hút thuốc lá. Zaen Kasturi, nhà thơ Malaysia cũng hút, nhưng thỉnh thoảng hút một điếu, cái kiểu có cũng được không cũng được.
Ngày đầu, tôi chưa biết cửa tiệm Eleven chuyên bán thuốc lá nằm ở đâu nên cứ thấy Zakariya Amataya chuồn ra khỏi phòng họp là tôi chuồn theo. Zakariya Amataya hút thuốc vấn, nhưng sợi thuốc là loại dùng để hút ống píp, trong túi áo lại luôn có gói Camel. Zakariya thấy có bạn văn “đồng bệnh” thì khoái lắm, chìa thuốc mời liên tục.
Ở cái xứ mà nơi nào cũng gắn bảng “No smoking”, hai anh em đứng hút thuốc tán gẫu với nhau ngoài sân thật là khoan khoái. Zakariya hỏi tôi chuyên viết về đề tài gì, cầm bút bao nhiêu năm rồi, nghe tôi nói tôi in cuốn sách đầu tiên vào năm 1984, Zakariya le lưỡi “Năm đó tui mới có 9 tuổi”.
Zakariya sinh năm 1975, một trong những nhà thơ cách tân của Thái Lan. Người thích bảo thơ anh “phá cách”, người không thích bảo thơ anh “phá phách”. Việc Zakariya được chọn trao giải SEA Write Award cũng gây nhiều ý kiến tranh cãi. Nhưng đọc sơ qua tập thơ anh tặng tôi, tôi thấy thơ anh hay và lạ, đặc biệt là táo bạo. Ngay tên tập thơ đã muốn “gây gổ” rồi: No woman in Poetry (Không có đàn bà trong thơ).
Thử đọc tên vài bài thơ của Zakariya: Cãi nhau với lặng im, Không thể thấy mặt trời, Lệ của thời gian, Vật lý của sự thật, Ghế năm chân, Tôi ghi lại lời của nỗi buồn bằng màu gì, Một bài hát không đến không đi... Hôm đọc thơ ở vườn hoa lâu đài Suan Pakkad, Zakariya đọc bài There must be something (Phải có một cái gì đó), với những ý tưởng thật mới mẻ “Phải có một sai lầm gì đó/ trong việc phân tách các giống người/ có cái gì đó đã mất đi trong lũ / cái gì đó đã không được xếp trên thuyền của Noah/ cái gì đó Cựu ước đã quên ghi chép/ cái gì đó nhà tiên tri Nostradamus không thấy được... Có một sự ngộ nhận nào đó trên trái đất này/ các cơ sở dữ liệu về dân số toàn cầu/ có lẽ đã bị thất lạc cái gì đó/ cái gì đó Plato không dự kiến/ cái gì đó Nietzsche không đề cập, cái gì đó Einstein không tính toán/ có cái gì đó đã mất đi...”.
Tôi nói với Zakariya “Về Việt Nam nếu có thời gian tui sẽ dịch và giới thiệu thơ ông cho bạn đọc Việt Nam” mặc dù tôi không biết tôi có siêng đến thế hay không. Zakariya khoái chí “Vinh dự quá! Vinh dự quá!”.
4. Tôi mang đến Bangkok nỗi buồn của một nhà văn Việt Nam không biết gì về nền văn học của các nước láng giềng. Tôi bộc bạch mối ưu tư đó trong diễn từ đọc trong đêm gala trao giải: “Chúng ta đã dịch và giới thiệu rất nhiều tác phẩm văn chương trên thế giới, đã biết châu Âu viết gì, người Mỹ viết gì, cả người Trung Quốc và người Nhật Bản, nhưng các nhà văn trong khối ASEAN đang viết gì và có những thành tựu nào thì chúng ta lại rất mơ hồ. Đó là hiện tượng không bình thường, giống như một người biết rất rành rẽ những gì đang diễn ra ở mọi ngóc ngách trên thế giới nhưng lại không biết gì về người hàng xóm sát bên cạnh mình. Văn chương không chỉ đem lại mỹ cảm mà đó còn một phương tiện tuyệt vời để khám phá một vùng đất, thấu hiểu một quốc gia và cảm mến một dân tộc. Thuở bé, đọc Victor Hugo, tôi yêu nước Pháp, đọc Mark Twain, tôi yêu nước Mỹ. Cũng như thế, Gogol, Puskin giúp tôi yêu mến nước Nga. Là các nước gần gũi nhau về mặt văn hóa và con người, tôi tin rằng chúng ta cần đến với nhau nhiều hơn trong tương lai. Mỗi dân tộc trong khu vực Đông Nam Á đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Tôi nghĩ nhà văn chúng ta có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương...”.
Diễn từ này tôi nhờ nhà văn kiêm dịch giả Mai Sơn chuyển ngữ sang tiếng Anh cho chắc ăn. Mai Sơn cười hè hè: “Đúng rồi, chuyện văn chương học thuật, lại đọc trước Hoàng gia và giới tinh hoa Thái Lan, để tui dịch sao cho thiệt... sang trọng”. Rốt cuộc, bản tiếng Anh “sang trọng” này in trong sổ tay phát cho quan khách, còn tất cả các nhà văn được giải được yêu cầu đọc bằng tiếng mẹ đẻ. Bài thơ thì tôi nhờ Tôn Thất Huy, em của nhà thơ Thận Nhiên, chuyển ngữ.
Sự hạn chế trong giao lưu văn học giữa các nước ASEAN, tôi đã thấy lúc ngồi nhà, qua Bangkok gặp các nhà văn nhà thơ bạn, đọc các tác phẩm của họ, mới thấy đó là một thiếu sót lớn. Họ gần gũi với chúng ta và họ có những thành tựu nhất định; các nền văn học láng giềng hoàn toàn có thể kích thích lẫn nhau phát triển. Tôi bỗng mơ đến một tạp chí văn chương Đông Nam Á, tập hợp các cây bút của khu vực ASEAN và phát hành đồng thời ở tất cả các nước bằng thứ ngôn ngữ của mỗi nước. Mỗi năm một tập cũng đã là quá tốt. Nhưng làm sao để thực hiện? Hay là tôi đang mơ một giấc mơ?
14-11-2010
NGUYỄN NHẬT ÁNH