Gạt bỏ lợi ích cục bộ, vượt qua tư duy nhiệm kỳ

Ngày 15-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành công thương do Bộ Công thương tổ chức. 
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành công thương cả nước đã đạt được những thành tích rất phấn khởi. Điểm nổi bật là lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, mức tăng trưởng trên 21%. Có gần 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo những giải pháp quan trọng cho các mục tiêu phát triển công nghiệp và thương mại cả nước trong năm 2018, tháo gỡ những khó khăn khúc mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Theo Thủ tướng, trong năm 2017, công nghiệp là động lực quan trọng giúp nền kinh tế tăng tưởng 6,81%, trong đó điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,4% (cao nhất 7 năm qua).

Tuy nhiên, vấn đề Thủ tướng đánh giá cao ngành công thương là những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tổ chức lại bộ máy để làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo cơ chế chính sách tốt cho doanh nghiệp phát triển. Nhắc lại câu nói với Bộ Công thương tại hội nghị tổng kết năm 2016 là “có vấp mà chưa ngã”, Thủ tướng nhận xét Bộ Công thương đã quyết liệt vượt qua thách thức và hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ năm 2017, vì vậy uy tín của ngành công thương được nâng lên, đóng góp nhiều mặt vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, ngành công thương biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, tiên phong trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ trưởng và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo Thủ tướng, Bộ Công thương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về cấu trúc lại bộ máy với thái độ “dũng cảm, không sợ va chạm”. Năm 2017, bộ này đã thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc và cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng. Bộ đã tích cực xử lý 12 dự án thua lỗ cũng như thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn khỏi Sabeco, được đánh giá một hình mẫu cho cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu phải học từ Sabeco, mọi doanh nghiệp nhà nước, cả ngành công thương sớm đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch.

Nói thêm về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng cho biết, sáng 15-1, đã ký nghị định để cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công thương quản lý.

Bên cạnh biểu dương, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển. Công tác thị trường và dự báo cung cầu còn yếu; thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả; chưa gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro. Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; sản xuất và xuất khẩu ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nói về mục tiêu nhiệm vụ trong năm 2018 và các năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn dài hạn, vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, gạt bỏ lợi ích cục bộ của ngành để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành khác một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương, phải tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”, tránh tạo ra thói làm ăn chụp giật, phải tạo môi trường đầu tư ổn định, bền vững, thống nhất.

Tin cùng chuyên mục