Chưa bao giờ nông dân vùng Đông Nam bộ lại thấp thỏm như lúc này, khi dồn dập các thông tin giá cả cây trồng, vật nuôi cùng lúc tụt đáy. Đầu năm, bức tranh ngành nông nghiệp của khu vực vẫn chưa thoát khỏi gam màu xám xịt...
Hàng nông sản bí đầu ra
Những ngày đầu tháng 3, nông dân trồng chuối tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) như đang ngồi trên đống lửa, chuối được mùa nhưng không bán được vì giá quá thấp. Huyện Xuyên Mộc có 80ha chuối, đây được coi là vựa chuối lớn nhất của tỉnh, bình quân mỗi hécta thu hoạch được từ 50 - 60 tấn chuối buồng. Gần 1 tháng trở lại đây, chuối chín rụng đầy gốc nhưng người dân cũng chẳng buồn thu hoạch.
Nguyên nhân là năm 2015, trên địa bàn tỉnh, một số ít hộ được các doanh nghiệp đặt trồng chuối và bao tiêu sản phẩm đầu ra với mức giá khoảng 15.000 đồng/kg. Thấy vậy, nhiều hộ dân khác cũng trồng theo với số lượng lớn để bán kiếm lời. Tuy nhiên, sau Tết Đinh Dậu, thương lái bất ngờ ngưng thu mua khiến giá chuối lao dốc, chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg và lúc này, chuối của nông dân trở thành “chuối ế”. Điển hình là hộ anh Cao Văn Thắng, ngụ tại tổ 5, ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc), từ sau tết đến nay đã phải đổ bỏ gần 8 tấn chuối vì không có người mua. Số chuối còn lại sắp đến kỳ thu hoạch anh vẫn phải thuê nhân công chăm sóc, buộc cây, tiền công lên đến 750.000 đồng cho 5 người/ngày.
Cũng tại huyện Xuyên Mộc, người trồng quýt đường đang thấp thỏm bởi giá quýt đã sụt giảm từ 30% - 50% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Hiện hơn 150ha quýt ở xã Tân Lâm đã đến kỳ thu hoạch, tuy nhiên thương lái vào vườn chỉ trả giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg cho quýt loại 1 (giảm 8.000 - 10.000 đồng/kg). Nông dân trong vùng cho biết, với mức giá như trên thì người trồng quýt sẽ bị lỗ khá nặng. Quýt phải bán được 20.000 đồng/kg thì nông dân mới hòa vốn và muốn có lãi phải bán với mức giá 22.000 - 25.000 đồng/kg.
Mưa rải rác trong hai tháng qua cũng khiến sản lượng hồ tiêu tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom (Đồng Nai), Châu Đức, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bù Đăng, Đồng Phú (Bình Phước) giảm hơn 20%. Đáng lo hơn khi giá tiêu ở thời điểm này chỉ còn 110.000 đồng/kg, trong khi giá tiêu cùng kỳ năm ngoái ở mức 180.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Hai, người trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) buồn rầu nói: “Nhà tôi có hơn 1.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch. Thời tiết bất lợi như thế này, rồi giá lại giảm sâu, gia đình tôi mất đi mấy trăm triệu đồng”.
Chăn nuôi heo gà lỗ nặng
Đồng Nai hiện có đàn gà lên đến gần 20 triệu con, đứng thứ hai cả nước. Theo quy luật, thường vào dịp đầu năm, giá gà sẽ giảm nhẹ, nhưng chẳng ai có thể ngờ giờ đây giá lại tuột dốc không phanh. Hiện giá gà trắng bán tại trại chỉ còn 15.000 - 16.000 đồng/kg, gà tam hoàng 23.000 - 25.000 đồng/kg, chưa bằng giá các loại rau ăn lá. Do đó, mỗi con gà bán ra, người nuôi chịu lỗ hơn 20.000 đồng. Trại nào nuôi càng nhiều thì lỗ càng lớn, nếu tình trạng kéo dài thêm một thời gian nữa, không ít trại có nguy cơ phá sản, “treo” chuồng. Trong 10 năm qua, đây là lần giá gà rớt thảm hại nhất. Những trại nuôi nhiều, chỉ trong thời gian ngắn đã mất tiền tỷ. Anh Lê Văn Ký ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đang gặp khó khăn khi đàn gà với hơn 12.000 con của gia đình đã quá ngày xuất chuồng. Anh Ký đã liên hệ với nhiều thương lái nhưng đều bị từ chối. Để giảm bớt thua lỗ, anh đành kêu người đến bán lẻ. “Với giá bán như hiện nay chưa đủ để trả tiền cám, chứ đừng nói đến các chi phí khác. Tình trạng này mà kéo dài thì người chăn nuôi sẽ không đủ vốn để tái đàn”, anh Ký cho hay.
Cũng tại tỉnh Đồng Nai, trước và sau Tết Nguyên đán, người nuôi heo điêu đứng do giá heo xuống rất thấp, không bù nổi chi phí. Đến nay, mặc dù giá heo hơi đã nhích lên, đạt mức 34.000 đồng/kg, song người nuôi vẫn lỗ khoảng 4.000 đồng/kg. Tính chung đàn heo hơn 1,8 triệu con, các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Chăn nuôi heo ở Đồng Nai đang trong tình cảnh khó khăn
Giải pháp nào giúp nông dân?
Nhìn nhận về thực trạng ngành chăn nuôi ở Đông Nam bộ trong những ngày qua, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, ngành chức năng phải nắm được tổng đàn theo quy luật cung - cầu, từ đó sẽ khuyến cáo người dân chăn nuôi đủ theo số lượng. Chính phủ cũng cần có sự can thiệp để các tập đoàn, các công ty chăn nuôi ở mức giới hạn, tránh tình trạng cung vượt quá cầu, nhường bớt sân lại cho bà con nông dân.
Trong khi đó, theo ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, việc giá gà, heo bấp bênh là do chưa có đầu ra ổn định. Người dân chỉ căn cứ vào giá thị trường tăng cao rồi có động thái tăng đàn ào ạt, dẫn đến cung vượt cầu. Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đang kết hợp với Sở NN-PTNT tìm giải pháp gỡ khó cho người chăn nuôi trong tỉnh bằng cách mở rộng các chuỗi tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, để khi giá bán tại trại chăn nuôi giảm, thịt gia cầm, gia súc bán ra cũng giảm tương ứng để kích cầu. Ngoài ra, sẽ xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp liên kết với trang trại sản xuất theo quy trình sạch để hướng đến xuất khẩu.
ĐỨC TRUNG - NÔNG NGÂN
Big C sẽ mua hơn 100 tấn chuối hỗ trợ nông dân Đồng Nai
(SGGP).- Ngày 1-3, Hệ thống siêu thị Big C triển khai chương trình “Bán chuối già hương không lãi hỗ trợ nông dân Đồng Nai”. Theo đó, Big C dự kiến sẽ thu mua trực tiếp hơn 100 tấn chuối tươi và phân phối lại với giá không lãi là 5.900 đồng/kg tại 15 siêu thị Big C, từ Đà Lạt đến Cần Thơ.
Mới đây, Sở Công thương, Sở NN-PTNT và Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các huyện để bàn giải pháp tiêu thụ hơn 10.000 tấn chuối cấy mô sắp thu hoạch trong thời gian tới. Nếu không sớm tìm được đầu ra, nông dân có nguy cơ sẽ mất trắng. Bởi chuối già hương cấy mô chín rất nhanh, đến thời điểm thu hoạch, trong vòng 10 ngày không bán kịp, chuối sẽ chín rục.
Hải Hà