Sống ở Czech hàng chục năm, nhiều người Việt đã coi nơi đây là quê hương thứ hai gắn bó với họ không khác gì quê cha đất tổ. Sang xứ người với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng những sợi dây gắn bó với quê hương với cha mẹ luôn là nỗi trăn trở, quan tâm lớn nhất đối với mỗi người.
Cuộc sống nơi đây không phải dễ kiếm tiền nhưng nhờ chăm chỉ, những người đến đây sau thời gian dài lao động cũng tích cóp được chút ít để giúp đỡ người trong nước và về thăm quê hương. Nhiều gia đình đưa cả anh chị em họ hàng sang đây làm ăn. Họ xây dựng gia đình, sinh con, phát triển kinh doanh thành đạt. Tuy nhiên, phần lớn họ có cha mẹ lớn tuổi vẫn sống ở Việt Nam. Vì đặc thù công việc và cuộc sống không thể ở lại quê hương nên có điều kiện dư dả ai cũng muốn đón bố mẹ sang Czech chơi để biết, để hiểu hơn cuộc sống của con cháu mình nơi đất khách quê người.
Một người già ở cùng con tại Czech
Sang chơi đã khó, giữ được các bậc cao tuổi ở lại cùng con cháu vài ba tháng hoặc lâu hơn càng khó bởi người già thích gần con cháu nhưng lại sợ xa rời nơi mình thân quen, không biết tiếng, không bạn bè không có chỗ giao lưu…
Chị K. có hai chị em ở bên này, còn mẹ già sống một mình ở Việt Nam nhưng bà cụ cương quyết không chịu sang dù là đi chơi. Hai chị em cũng chẳng thể bỏ gia đình con cái để về ở cùng mẹ. Mãi đến khi mẹ bị tai biến và hơi lẫn, hai chị em mới mời được mẹ sang ở cùng.
Đón mẹ sang, để cụ ở nhà một mình cũng không yên tâm bởi chị phải bán hàng suốt từ sáng đến tối, các cháu đi học chiều tối mới về. Nhưng chị quyết bỏ chuyện buôn bán để có nhiều thời gian gần mẹ và chăm sóc mẹ.
Anh N., sang Czech từ khi còn thanh niên, nhà có mấy anh chị em đều sinh sống ở mấy nước châu Âu. Là con trai duy nhất nên hàng năm anh đều về thăm bố mẹ. Anh cũng đã đón bố mẹ sang chơi, nhưng sau đó các cụ nhất quyết không chịu sang chơi nữa mặc kệ con có về được hay không bởi chuyến đi chơi ấy các cụ tổng kết ví von rằng cảm thấy mình như người thừa vì mình nói không ai hiểu, người ta nói mình không hiểu, không tự đi lại được.
Hai ông bà dù có sang nước nào và ở nhà con gái hay con trai cũng vậy. Trừ một số lần đi thăm danh lam thắng cảnh nước sở tại và đến nhà bạn bè của con chơi thì đều quanh quẩn nơi con bán hàng nhìn người qua lại hoặc ngồi nhà xem VTV4. Nói chuyện với cháu cũng khó vì chúng chẳng biết mấy tiếng Việt. Khi con đi bán hàng về cơm nước xong là ngủ, hôm nào không đến cửa hàng cùng con thì cũng chỉ đứng dưới đường hít thở không khí một chút rồi về vì chả biết tự đi đâu. Những cuộc nói chuyện dài nhất là gọi về Việt Nam cho bè bạn.
Hay như ông bà L. có 3 người con cũng đều ở bên Tây cả. Họ sang từ khi còn thanh niên, làm ăn buôn bán rồi xây dựng gia đình luôn ở nơi đây. Hàng năm, các con đều dẫn một hai đứa cháu về thăm ông bà. Vui mừng tất bật được mấy ngày, khi chúng ra đi ông bà lại càng buồn hơn. Nửa năm trời với bao bận thức đêm thức hôm xếp hàng xin visa, ông bà cũng đến được trời Âu.
Đến rồi mới thấy thương con biết mấy, chúng kiếm được tiền nhưng cũng thật vất vả. Hàng ngày, các con phải dậy đi chợ từ 2 giờ sáng. Họ bán hàng ở chợ đêm mà, bọn trẻ con thì có người trông và đưa đón đi học. Ông bà ở chơi nhà nào cũng ở nhà một mình là chính. Nhớ quê hương, nhớ bạn bè, thèm không khí tưng bừng náo nhiệt nơi ngõ nhỏ nhưng bù lại ngày nào cũng được gặp con cháu. Cứ vậy đã mười mấy năm trôi qua, ông đã ngấp nghé tuổi 80, bà cũng xấp xỉ vậy mà vẫn cứ đi lại giữa hai châu lục.
Qua những câu chuyện trên mới thấy rằng “Trẻ cậy cha, già cậy con”, đạo lý này của người Việt mãi còn qua từng thế hệ. Dù ở gần hay xa, tấm lòng cha mẹ với con cái ở đâu cũng như nhau. Họ chịu đựng sự xa cách, nhớ nhung để giúp con cái an lòng làm ăn và nuôi dưỡng thế hệ mai sau.
MINH PHƯỢNG