Giá dầu giảm, cung vẫn tăng đều

Giá dầu thô tại Mỹ trong ngày 13-8 đã xuống dưới mức 42 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua giữa lúc nguồn cung dầu thế giới tiếp tục tăng trong khi nhiều nền kinh tế lớn vẫn ảm đạm, nhu cầu tiêu thụ dầu giảm.
Giá dầu giảm, cung vẫn tăng đều

Giá dầu thô tại Mỹ trong ngày 13-8 đã xuống dưới mức 42 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua giữa lúc nguồn cung dầu thế giới tiếp tục tăng trong khi nhiều nền kinh tế lớn vẫn ảm đạm, nhu cầu tiêu thụ dầu giảm.

Nhiều nền kinh tế khó khăn

Giá dầu tại Mỹ giảm hơn 3%, xuống mức dưới 42 USD/thùng vào phiên giao dịch ngày 13-8, mức thấp nhất trong vòng 6 năm rưỡi qua. Nguyên nhân chính, theo Reuters, là Mỹ gia tăng kho dự trữ chủ chốt. Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 1,3 triệu thùng trong vòng 1 tuần tính đến ngày 11-8, mức cao nhất trong 80 năm qua. Dầu thô Brent toàn cầu cũng giảm 44 cent, tương đương gần 1%, xuống còn 49,22 USD/thùng.

Sản lượng khai thác hàng ngày của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) tăng mạnh cũng là nguyên nhân chính làm giá dầu lao dốc. OPEC nói rằng sản lượng khai thác hàng ngày của nhóm 12 nước này trong tháng 7 vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, đạt 31,5 triệu thùng/ngày, tăng 100.000 thùng so với tháng 6.

Theo CNBC, mặc dù giá dầu giảm có thể gây tổn hại cho thị trường tín dụng và đầu tư, nhưng đó là một cú hích lớn cho người tiêu dùng Mỹ và bất kỳ doanh nghiệp nào sử dụng dầu. CNBC dẫn lời ông Joseph LaVorgna, chuyên gia kinh tế Mỹ tại Deutsche Bank cho rằng, Mỹ chưa bao giờ gặp suy thoái do giá dầu giảm.

Nhưng với kinh tế Trung Quốc và Nga, giá dầu giảm phản ánh nhiều yếu tố tiêu cực. Thị trường dầu mỏ giảm giá cho thấy động thái của Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ không mang lại hiệu quả tích cực. Giá dầu giảm chứng tỏ nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thực sự lấy lại niềm tin sẽ khởi sắc. Riêng với Nga, khó khăn vẫn sẽ rất lớn khi kinh tế nước này vẫn còn dựa nhiều vào dầu. Theo Bloomberg, GDP của Nga giảm 4,6% trong quý 2-2015 so với cùng kỳ năm 2014, sau khi giảm 2,2% trong quý 1-2015. Giá dầu giảm khiến cho doanh thu của Nga giảm và kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong nửa đầu năm 2015, dầu khí chiếm 45% doanh thu ngân sách liên bang. Con số này cùng kỳ năm 2014 là 52% khi giá dầu trung bình 58 USD/thùng. Nếu trong nửa cuối năm 2015, giá dầu ở mức trung bình 45 USD/thùng, Nga sẽ cần phải phá giá đồng rúp ít nhất 10% để chống thâm hụt ngân sách.

Yếu tố Iran

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, ít nhất đến giữa năm 2016, nguồn cung dầu tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung vẫn dồi dào và giá dầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại từ nay đến đó. Thêm một điểm quan trọng không kém đó là sau thỏa thuận hạt nhân Iran, Liên hiệp quốc trong vài tháng tới có thể nới lỏng cấm vận Iran, mở đường cho nước này xuất khẩu dầu khí trở lại.

Công nhân khai thác dầu ở phía Nam thủ đô Tehran, Iran.

Theo ước tính của IEA, khối lượng dầu Iran bổ sung vào nguồn cung được dự kiến sẽ tiếp tục làm giảm giá dầu toàn cầu trong năm 2016 trong bối cảnh Saudi Arabia và phần còn lại của OPEC không cắt giảm lượng dầu sản xuất. Trữ lượng dầu thô dưới vùng biển nước này gần đây được ước tính khoảng 53 triệu thùng thay vì 42 triệu thùng như ước tính trước đó.

Theo Bloomberg, Iran đã lựa chọn 45 dự án dầu khí mang ra đấu thầu khai thác quốc tế tại một hội nghị ở London (Anh) gần đây. Iran hy vọng đẩy mạnh sản lượng dầu thô lên 5,7 triệu thùng/ngày. Chi phí sản xuất dầu của Iran là từ 8 - 10 USD/thùng, hấp dẫn với các nhà đầu tư. Theo ông Mehdi Hossein, Chủ tịch Ủy ban tái thiết hợp đồng dầu Iran, trong thời gian chờ kết thúc lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc, Iran muốn đẩy mạnh sản lượng dầu khoảng 15%, tương đương hơn 4 triệu thùng/ngày. Sau đó, nước này có thể sản xuất 5 - 5,7 triệu thùng/ngày.

THỤY VŨ (tổng hợp)

>> Giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua 

Tin cùng chuyên mục