Giả điếc!

Việc Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama từ chức không gây ngạc nhiên trong dư luận thế giới vì từ lâu ai cũng biết rằng Chính phủ Nhật đang đứng trước bài toán nan giải liên quan trực tiếp đến việc di dời căn cứ không quân Futenma của Mỹ. Trong nhiều tháng qua Mỹ cương quyết không thay đổi thỏa thuận đã ký năm 2006 về việc di dời căn cứ này nên ông Hatoyama không có sự lựa chọn nào khác là thất hứa với nhân dân nước mình.

Nhưng đằng sau sự từ chức đó là những trục trặc trong mối quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống. Khi Thủ tướng Hatoyama nhậm chức cách đây 8 tháng, ông tuyên bố muốn xây dựng mối quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ. Nhìn lại lịch sử bang giao hai nước từ sau năm 1945 mới thấy tuyên bố của ông có ý nghĩa như thế nào đối với nhân dân Nhật Bản.

Sau năm 1945, Nhật là nước thua trận, phải chịu sự kiểm soát của Mỹ. Và để kiềm chế thế lực quân phiệt Nhật, theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh Mỹ-Nhật, Mỹ không cho phép nước này có quân đội, không có Bộ Quốc phòng mà chỉ có Cục Phòng vệ Nhật Bản. Mọi hoạt động quân sự của Nhật do Mỹ giám sát và trong hiệp ước ghi rất rõ Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản. Cho dù Nhật Bản đã vươn lên từ đống đổ nát của chiến tranh, nhất là sau hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki, để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới nhưng việc không có quân đội giống như cơ thể bị khuyết mất một chân. Cho mãi đến năm 2007 nước này mới có Bộ Quốc phòng, trong bối cảnh Mỹ cần sự hỗ trợ của Nhật trong các chiến dịch quân sự trên khắp thế giới.

Trong khi đó căn cứ quân sự Mỹ ở khắp nơi trên đất Nhật với tổng số binh lính cho đến tháng 12-2009 khoảng 47.000 người trong đủ các binh chủng. Riêng tại tỉnh Okinawa, các căn cứ quân sự Mỹ chiếm 10% diện tích đất và gần 77% các căn cứ Mỹ trên toàn Nhật Bản. Hàng năm Nhật phải chi 4 tỷ đô la để duy trì các căn cứ Mỹ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngoài việc gây ô nhiễm tiếng ồn và môi trường, đe dọa an toàn của thành phố và tranh cãi về đạo đức của lính Mỹ, các căn cứ quân sự Mỹ được người Nhật coi là “vết nhơ” trong lịch sử hiện đại.

Vì đây là một trong những “vết tích” còn lại thể hiện sự mất chủ quyền của Nhật đối với hòn đảo Okinawa kể từ khi Mỹ chiếm đảo này vào năm 1945. Và đó cũng là lý do tại sao khi ông Hatoyama cương quyết dời căn cứ không quân Futenma của Mỹ ra khỏi đảo Okinawa, tỷ lệ người dân Nhật Bản ủng hộ ông lên đến 70%.

Tỷ lệ ủng hộ ông đã xuống còn 17% khi ông quyết định không dời Futenma ra khỏi Okinawa mà chỉ dời đến một địa điểm khác trong tỉnh. Sự thất vọng đó cũng cho thấy phần lớn người dân Nhật Bản đều bất mãn với mối quan hệ đồng minh bất bình đẳng mà lâu nay họ phải chịu đựng.

Mặc dù Chính phủ Mỹ không bày tỏ thái độ gì đối với việc Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama nhưng dư luận chính trường Mỹ thì tỏ vẻ rất hoan hỉ với việc này và cho rằng đó là cơ hội cài đặt lại quan hệ với Nhật sau mấy tháng căng thẳng dưới thời ông Hatoyama. Chỉ có ông Steven Clemon, Giám đốc chương trình chiến lược Mỹ của Quỹ New American đã nói đúng bản chất của Chính phủ Mỹ trong vụ này khi ông tuyên bố rằng chính quyền ông Obama đã giả điếc trước việc ông Hatoyama từ chức. Chính quyền Mỹ giả làm ngơ bởi vì họ sợ thừa nhận một thực tế rằng người Nhật đang thất vọng về quan hệ bất bình đẳng giữa hai đồng minh.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục