Trong phiên họp Quốc hội Singapore thảo luận về vấn đề thẻ trắng (thẻ cư trú ngắn hạn) và kế hoạch sử dụng đất đai 2 ngày vừa qua, các bộ trưởng đã đưa ra những mục tiêu quan trọng để phát triển đất nước bền vững dựa vào điều kiện nguồn nhân lực. Trong đó, ý kiến của bà Grace Fu, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ kiêm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, được đánh giá rất cao. Theo bà, để Singapore giữ vững vị thế hiện nay, đất nước này phải lấy gia đình làm giá trị cốt lõi, tạo điều kiện phát triển thể chất, tinh thần cho thế hệ trẻ, những nhân tố chủ lực của thế hệ mới.
Hiện 38% dân số ở Singapore là người nước ngoài nên việc củng cố nền móng gia đình phải được đồng nhất ở những tiêu chí nhất định, đảm bảo vị trí cốt lõi của gia đình, không để diễn ra sự phát triển một cách tự phát, theo văn hóa riêng biệt, ảnh hưởng đến diện mạo chung của quốc gia. Thời gian qua, Chính phủ Singapore đã ra hàng loạt quyết định hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng (ít nhất một người là công dân Singapore) sinh con.
Từ tháng 8-2012, cứ một em bé thứ hai của gia đình chào đời, chính phủ sẽ tặng 6.000 đô Sing (4.900 USD). Từ tháng 5 tới, các ông bố cũng được nghỉ “thai sản” trong 1-2 tuần để giúp vợ. Chính phủ cũng công bố gói hỗ trợ kết hôn và sinh con với mức hơn 1,62 tỷ USD. Trong đó gia đình có con dưới 16 tuổi được ưu tiên mua căn hộ do nhà nước xây. Chính phủ Singapore hy vọng đẩy tổng tỷ suất sinh (của phụ nữ 18-45 tuổi) lên mức 1,4-1,5 so với 1,29 hiện nay. Bà Grace Fu nhấn mạnh, những gói hỗ trợ trên sẽ giúp phụ huynh thời nay cân bằng công việc và cuộc sống gia đình, dành được nhiều thời gian chăm sóc các thành viên, chủ yếu là về mặt tinh thần.
Năm 2008, Chính phủ Singapore cũng từng chi 10 triệu USD hỗ trợ những công ty tạo sự cân bằng trong công việc và cuộc sống cho nhân viên. Cố vấn cấp cao Lý Quang Diệu và Thủ tướng Lý Hiển Long là hai trong số lãnh đạo ghi dấu ấn không chỉ với đảo quốc sư tử mà còn tạo tiếng vang với thế giới khi dũng cảm lôi kéo người trẻ vào làm chính trị, cho họ điều kiện để tạo ra một Singapore mới. Và để có được những nhân tố tiềm năng, chuẩn về nhận thức như thế, vai trò gia đình được nhắc đến là điều kiện tiên quyết.
Trong các phiên thảo luận về chủ đề phát triển xã hội gần đây nhất, đại diện các nước thành viên LHQ đã khẳng định vai trò sống còn của gia đình trong tiến trình phát triển xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu. Còn nhớ, chuỗi bạo loạn xảy ra ở nhiều thành phố lớn ở Anh năm 2011 khi giới trẻ đập phá, hôi của ở nhiều cửa tiệm lớn đã cho thấy những lỗ hổng trong việc chăm lo, phát triển nhân cách của thanh thiếu niên. Cách sống thụ động, dựa dẫm đã khiến họ trở nên khép kín, không có ý chí cầu tiến, bị gạt ra khỏi thị trường lao động, sinh hoạt xã hôi. Từ đó, giới trẻ càng dễ phát triển lệch hướng.
Trước tình hình suy thoái chung hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải chạy đua để bảo vệ thành quả phát triển kinh tế của mình. Sức bật lớn nhất đến từ giới trẻ, “sản phẩm” từ chính mỗi gia đình. Vì thế, khẳng định ưu tiên đảm bảo chất lượng phát triển gia đình là cách vun đắp xã hội từ gốc rễ mà Singapore đã, đang thực hiện thành công.
NHƯ QUỲNH