Gia đình trong phim Việt: Thiếu hấp dẫn

Một năm, VTV và HTV trung bình phát sóng trên dưới 2.000 tập phim Việt mới, nhưng trong số hàng ngàn tập phim ấy rất ít phim đề cập đến yếu tố gia đình; nếu có, đều là những hình ảnh thoáng qua và chủ yếu chỉ để minh họa cho hoàn cảnh câu chuyện và nhân vật.
Gia đình trong phim Việt: Thiếu hấp dẫn

Một năm, VTV và HTV trung bình phát sóng trên dưới 2.000 tập phim Việt mới, nhưng trong số hàng ngàn tập phim ấy rất ít phim đề cập đến yếu tố gia đình; nếu có, đều là những hình ảnh thoáng qua và chủ yếu chỉ để minh họa cho hoàn cảnh câu chuyện và nhân vật.

Nội dung nhạt nhòa

Một năm, VTV và HTV trung bình phát sóng trên dưới 2.000 tập phim Việt mới, nhưng trong số hàng ngàn tập phim ấy rất ít phim đề cập đến yếu tố gia đình; nếu có, đều là những hình ảnh thoáng qua và chủ yếu chỉ để minh họa cho hoàn cảnh câu chuyện và nhân vật.

Đạo diễn Minh Chung, từng đạo diễn một số bộ phim mang yếu tố và phản ánh mối quan hệ gia đình như Người mẹ nhí, Cô gái xấu xí… cũng thừa nhận: “Gia đình có bao nhiêu thứ, nhưng phim Việt nói chung vẫn chưa phản ánh hết hoặc phản ánh chưa hấp dẫn. Phim Việt chỉ thường tập trung khai thác chuyện tình yêu tay ba, tay bốn. Trong khi phim truyền hình chủ yếu dành cho người nội trợ nên mảng gia đình là thu hút. Các vấn đề chủ yếu trong gia đình như: hôn nhân, quan hệ hai bên gia đình chồng - vợ, quan hệ bạn bè ảnh hưởng đến đời sống gia đình, mối quan hệ cha mẹ - con cái… chưa có phim nào nói được vấn đề này một cách sâu sắc”. Còn nhớ trước đây đã có một phim có tên nghe là biết đề tài gia đình - Đại gia đình - một phim hoàn toàn kể về một gia đình, cùng số phận của những người sống trong gia đình ấy, nhưng phim khá nhạt nhòa, càng về sau càng “đuối”! 

Thời gian qua, đã có một số bộ phim có nội dung đề cập đến các vấn đề, các mối quan hệ trong gia đình và ít nhiều gây được chú ý với người xem, như: Tam nam vẫn phú, Ở rể, Chung một mái nhà, Nước rút… Sở dĩ những phim này được chú ý vì vấn đề phim đặt ra gần gũi với cuộc sống và có cách thể hiện dung dị – các cậu con trai và gia đình riêng của những đứa con ấy gặp khó khăn, vướng mắc khiến cha mẹ phải can thiệp, tư vấn bằng chính kinh nghiệm sống của mình (Tam nam vẫn phú); các chàng rể phải chịu cảnh ở rể, mỗi người một cách nhìn, một phản ứng trong hoàn cảnh sống ấy để không mang tiếng là “chó chui gầm chạn” hay “chuột sa chĩnh gạo” (Ở rể); các tình huống, suy nghĩ, ứng xử trong việc chạy trường cho con (Nước rút) hoặc mối quan hệ của những người phụ nữ, người mẹ, người vợ trong gia đình tứ đại đồng đường sống chung trong cùng mái nhà (Chung một mái nhà).

Cát Phượng và Hữu Tiến trong phim Chung một mái nhà.

Cát Phượng và Hữu Tiến trong phim Chung một mái nhà.

Mảnh đất còn màu mỡ

Khán giả màn ảnh nhỏ đã từng say mê theo dõi những bộ phim đề tài gia đình của các nước láng giềng: Gia đình là số 1 (Hàn Quốc - phát sóng trên HTV), Tối nay ăn gì (Hàn Quốc - SCTV) và hiện nay bộ phim Khi người ta yêu (Đài Loan - THVL) khiến các bà nội trợ không thể bỏ qua vào mỗi buổi chiều khi phim phát sóng. Điểm chung của những bộ phim này hấp dẫn bởi chính những tình huống hết sức “đời”, cũng là chuyện quan hệ, ứng xử cha mẹ-con cái; vợ-chồng; cùng những tình huống mà có lẽ gia đình nào cũng đôi lần phải đối mặt: chuyện tiền nong, ghen tuông, thừa kế, con ngoài giá thú, bệnh tật, thất nghiệp, chủ nhà và ô-sin… nhưng được xử lý khéo léo, đan cài tình huống hết sức hấp dẫn, cùng sự diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên đã làm nên thành công cho bộ phim. Vì thế, dù không phát sóng vào “giờ vàng” phim vẫn tạo được cơn “sốt” với khán giả.

Lẽ nào phim Việt không thể có những phim đề tài gia đình hay, lôi cuốn khi mà đời sống, sinh hoạt, xã hội, con người Việt Nam đang phải đương đầu với bao nhiêu vấn đề: gìn giữ truyền thống, tiếp cận cái mới cùng nhung xung đột, khoảng cách nhận thức, quan điểm sống giữa các thế hệ… Làm sao để các nhà làm phim thấy hứng thú với mảng đề tài gia đình? Làm sao chuyển tải các vấn đề của gia đình Việt lên phim hay và hấp dẫn vẫn là mong muốn của rất nhiều đạo diễn, nhà sản xuất.

Nhưng cái khó theo đạo diễn Minh Chung chính là: “Đội ngũ sáng tác kịch bản hiện nay hầu hết còn trẻ và chưa có gia đình, nên viết một kịch bản đề tài này là rất khó. Viết về gia đình phải có sự trải nghiệm, tinh tế và hiểu biết sâu sắc. Người viết chưa hiểu hết, làm sao có thể viết được và viết hay”! Chính vì vậy, mảng đề tài gia đình trong phim Việt còn bao la và vẫn là “mảnh đất màu mỡ” chờ đợi các nhà làm phim khai thác trong thời gian tới.

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục