Giá đỡ

M.T.
Giá đỡ

Ông Trần Bông, Giám đốc Công ty Xây dựng Khang Trang, đọc bản quyết toán vừa trình lên vì có những số liệu không minh bạch trong thuyết trình số tiền sử dụng. Bỗng có tiếng gõ cửa, như cái máy cassette ghi sẵn, ông nói: “Mời vào”. Cánh cửa phòng mở ra nhẹ nhàng, ông Bông vẫn nhìn vào tờ giấy trên bàn với những con số đang làm ông nghi ngờ và tiếp tục nói như được lập trình: “Mời anh ngồi”. Tiếng anh thanh niên vang lên:

Minh họa: M.T.

Minh họa: M.T.

- Thưa ba, con đây, con đưa May tới…

Ông Bông đặt cây bút xuống sấp giấy:

- Vinh tới rồi hả con.

Ông Bông nhìn cô bạn gái của con trai, nó thủ thỉ với mẹ nó về cô này từ hồi đầu năm. Vợ ông, bà Trinh và cô May đã gặp nhau đôi lần, còn ông thì đây là lần đầu. Vinh, con trai ông, hai mươi sáu tuổi, cao lớn, đẹp trai, tốt nghiệp đại học kiến trúc đã ba năm rồi. Ông Bông ra bộ ghế sa lông trong phòng của giám đốc rồi thả mình xuống, Vinh kéo May ngồi, cô nhìn ông Bông ái ngại. Bây giờ ông Bông mới nhìn cô con dâu tương lai của mình. Con bé coi cao ráo, tóc buông lửng sau lưng, đôi mắt hiền như lá rau muống. Ông Bông cười:

- Ngồi đi cháu. Cháu là May, bác có nghe mẹ của Vinh nói chuyện về cháu. Tốt nghiệp đại học rồi hả, thằng Vinh nói cháu định xin về công ty của bác phải không?

May ấp úng, Vinh đỡ lời:

- Ba nhận May về làm trong công ty nghe ba?

May rót rồi đặt ly nước trà trước mặt ông Bông, e thẹn, mặt ửng hồng khẽ nói: Dạ.

* * *

Cô May về làm kế toán của công ty được sáu tháng. Hôm nay, gia đình ông Bông đến nhà cô May bỏ trầu và xin cưới.

Chiếc xe du lịch mười sáu chỗ dừng ở cổng vào căn nhà ở miền quê tỉnh Bến Tre có vườn cây xanh tươi. Ở sân có bảy, tám người đàn ông, đàn bà ra đón. Trên xe con, ông Bông cùng vợ và con trai, con gái với bốn người là bà con chú bác của ông bà Bông ra khỏi xe. Mấy người bạn của Vinh áo trắng, quần tây thắt cà vạt bưng trầu cau, rượu đi vào. Đoàn khách nhà trai vào tới cửa thì hai người đàn ông quần áo chỉnh tề cùng mấy bà, mấy cô cậu thanh niên bước tới.

Vinh đã đến gia đình nhà gái vài lần, nay mặt rạng ngời giới thiệu với ba mẹ mình về người đàn ông ngoài sáu chục tuổi, chân bị thương phải dùng nạng đỡ thân người và mẹ của May. Vinh nói:

- Thưa ba má và các chú, các bác, hôm nay ba mẹ con và các bác các chú đến thưa chuyện với gia đình - Vinh mời.

Chú Hoàng, đại diện nhà trai, bác của Vinh nói:

- Thưa ông bà, các bác, các chú nhà gái, hôm nay anh chị Bông có cơi trầu, chén rượu đến xin bỏ trầu và xin phép gia đình cho anh chị Bông chọn ngày lành, tháng tốt đón cháu May về làm con trong gia đình…

Chủ nhà cảm ơn và mời khách vào nhà. Trong căn nhà khang trang của miệt vườn, phòng khách rộng. Chủ nhà mời khách ngồi, ông Bông chau mày nhìn ông chủ nhà và ông chủ nhà cũng nhăn trán ngay từ lúc nhìn thấy ông Bông. Những cô cậu, bà con họ nhà gái rót nước mời khách. Khi ông Hoàng đại diện họ nhà trai có mấy lời thì ông Vá chủ nhà và là ba của May chống nạng lê đến bên ông Bông. Ông Bông nghiêng nghiêng cái đầu sợi trắng thắng sợi đen, cái tay bị thương cứ khuỳnh ra nhìn ông Vá. Ông Vá vừa ngồi cạnh thì ông Bông khẽ hỏi:

- Anh có phải…

Ông Vá khẽ kêu:

- Trời thế thì đúng rồi, anh là…

Trong lúc bên nhà trai bày lễ lên trang thờ, ông Bông và ông Vá cùng đứng dậy kéo nhau ra sân đến gốc cây dừa có cái ghế đá. Ông Bông nói:

- Đúng anh Tài rồi, thiệt không ngờ…

Và hai ông thì thào nói chuyện với nhau, mặt rạng ngời niềm vui.

Bà Trinh, vợ ông Bông, trong nhà nói chuyện với bà Xới, vợ ông Vá. Thấy hai ông chồng cứ nắm tay nhau thì thào, bà Trinh hỏi:

- Ủa, hai ông đã quen biết nhau trước rồi sao?

Ông Bông cười, đưa tay đỡ người ông Vá, nói:

- Hai đứa con của chúng ta sẽ thành gia thất, hai ông già là sui gia của nhau, đúng không anh Tài?

Bà Xới nhìn chồng, sao anh sui gọi chồng bà là Tài, Tài nào kỳ vậy?

* * *

Chiến dịch Bình Long năm 1972.

Bộ chỉ huy mặt trận nhận được điện khẩn, lúc 14 giờ ngày 22-4-1972, địch dùng máy bay nhảy dù đổ quân chiếm Đồi Gió.

Đại đội trưởng Trần Bông được lệnh tối nay chỉ huy đơn vị bí mật ém quân trên điểm cao này. Đúng như thông báo, lúc 14 giờ 18 phút, tiểu đoàn 6 của địch bất ngờ nhảy dù chiếm cao điểm nhưng chúng bị đại đội của Trần Bông tiêu diệt khi chưa chạm chân xuống đất. Đội hình địch rối loạn. Máy bay chiến đấu của địch đánh trả quyết liệt, trực thăng xà xuống cứu những tên lính dù, bốc về An Khê. Bọn địch thất bại nặng nề.

Tối, trận địa im tiếng súng. Ánh trăng đầu tháng chênh vênh treo ở góc trời. Từ ven thị xã Bình Long trái pháo phóng lên trời, ánh sáng xô nghiêng những cây điều, xoài, mít làm cây cụt ngọn, cây đổ ngổn ngang. Mùi thuốc nổ nồng nặc, mùi lá cây ngai ngái. Trần Bông và các đồng đội liên lạc về tiểu đoàn báo cáo tình hình trận đánh. Khi xuống tới chân đồi, bỗng anh nghe có tiếng người thở thoi thóp bên gốc cây mít cụt ngọn. Trần Bông soi đèn pin vào đó nhận ra một lính dù, anh nói cậu liên lạc xem anh ta bị thương ra sao. Tiếng người lính dù vang lên: “Ông giải phóng ơi, tôi đau quá, cho tôi…”. Cậu liên lạc đỡ người lính dù ngồi dậy. Trần Bông rọi đèn pin vào mặt người lính dù, anh ta nhăn nhó đau đớn...

Cậu liên lạc nói:

- Thủ trưởng ơi, cho nó một phát là xong.

Trần Bông gắt:

- Bậy nào. Chú mày lấy võng dù ra. Trần Bông lấy dao găm chặt khúc cây làm cáng, nói tiếp:

- Mình cáng nó vào trạm phẫu tiền phương cũng gần đây thôi. Dù sao cũng cứu được một con người.

Cậu liên lạc lại nói:

- Việc gì phải cáng, cho một viên là xong.

- Không được. Anh ta là kẻ bại trận, bắn kẻ ngã ngựa là hèn.

…Tại trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn Quyết thắng cạnh suối Tống Lê Chân, người lính dù khai là Huỳnh Tấn Tài, trung sĩ, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 33, Sư đoàn Thiên thần mũ đỏ…

Hình ảnh người lính dù ấy cứ in đậm vào trí nhớ của ông Bông. Năm tháng qua đi và bây giờ… Ông Bông vỗ vai ông Vá nói nhỏ:

- Vừa nhìn thấy anh, tôi nghi nghi, không lẽ…

Ông Vá cười:

- Nhờ phước hai anh đưa tôi vào trạm phẫu thuật, một thủ trưởng quân đội cách mạng lại cáng một lính dù của đối phương.

Bỗng thấy cánh tay ông Bông không bình thường, ông Vá hỏi:

- Anh bị thương ở đâu?

- Chiến tranh mà anh, tôi bị thương ngày 30-4-1975 ở cầu Rạch Chiếc đó.

Trong nhà, hai họ đã làm thủ tục xong. Hai ông Bông và Vá vẫn thì thầm ngoài sân.

Bà Xới, vợ ông Vá, bước ra góc sân hỏi khẽ:

- Hai ông có chuyện gì mà bí mật thế?

Ông Bông đỡ ông Vá đứng dậy. Hai người im lặng.

* * *

Một năm sau.

Hôm nay là ngày thôi nôi con trai của Vinh và May, gia đình ông Vá thuê xe từ Bến Tre lên TPHCM. Xe vừa dừng ở cửa, ông Bông chạy ra đón. Ông giang hai tay, tay trái bị thương đỡ vai ông Vá, ông Vá lê cái chân bị thương chống nạng. Hai ông cười. Bỗng một người đàn ông từ phía sau đi tới, ông Vá nói:

- Giới thiệu với anh Bông, đây là đồng chí Minh, thủ trưởng chỉ huy trực tiếp của tôi, bí số 08, đặt tên tôi là Tài, bí số 09. Ông Bông bắt tay ông Minh, kêu lên:

- Trời, anh Tư Minh, tôi có nghe anh là điệp báo, thì ra…

Ông Minh cười:

- Thì chiến dịch Bình Long, thằng 09 vào tiểu đoàn dù. Nó điện báo chính xác ngày, giờ địch nhảy dù xuống Đồi Gió, tôi báo tin về bộ chỉ huy mặt trận. Sau này, trao trả tù binh, tôi đến đón đồng chí Tài về.

Lúc đó, cô May bồng thằng con trai một tuổi ra, ông Vá bồng cháu ngoại khen thằng nhỏ mặt giống cha nó, mắt giống ông nội…

Ông Bông mời ông Minh và đỡ một bên vai ông Vá vào bộ sa-lông. Ông Vá hỏi:

- Con dâu làm việc ở công ty của anh có được không?

Ông Bông cười:

- Tuổi trẻ con cái của chúng ta bây giờ thông minh, giỏi giang lắm. Thế hệ chúng mình tin tưởng, yên tâm vào chúng. Nào mời mọi người nâng ly mừng cho một thế hệ mới ra đời, tương lai đầy tươi sáng kế tục sự nghiệp của chúng ta.

Nguyễn Ngọc Mộc

Tin cùng chuyên mục