Giá đường cao là do phân phối

Hôm qua (13-5), Bộ Công thương đã tổ chức họp công bố về giải pháp cân đối mặt hàng đường trong nước. Một lần nữa, câu chuyện về giá đường trong nước cao hay thấp, việc nhập và giãn tiến độ nhập khẩu đường theo hạn ngạch kéo dài đến bao giờ lại được đặt ra giữa đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan khác như Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Giá đường cao là do phân phối

Hôm qua (13-5), Bộ Công thương đã tổ chức họp công bố về giải pháp cân đối mặt hàng đường trong nước. Một lần nữa, câu chuyện về giá đường trong nước cao hay thấp, việc nhập và giãn tiến độ nhập khẩu đường theo hạn ngạch kéo dài đến bao giờ lại được đặt ra giữa đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan khác như Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

  • Đủ cân đối cung - cầu đến tháng 9

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, vụ sản xuất mía đường 2010-2011 sẽ kết thúc vào cuối tháng 5 với sản lượng dự kiến đạt 1,1 triệu tấn (cao hơn dự báo khoảng 100.000 tấn). Tổng lượng đường các nhà máy tiêu thụ từ đầu năm đến hết 15-4 là 468.000 tấn (cao hơn cùng kỳ năm trước 80.000 tấn). Lượng đường tồn kho của các nhà máy đến hết ngày 15-4 là 525.000 tấn (cao hơn cùng kỳ 142.000 tấn). Lượng đường sản xuất từ 15-4 đến hết cuối vụ khoảng 80.000 tấn.

Như vậy, cùng với lượng tồn kho thì tổng nguồn đường sản xuất trong nước đến vụ mới 2011-2012 (khoảng tháng 10) là hơn 600.000 tấn.

Về nhập khẩu, 4 tháng đầu năm, tổng lượng nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan là 53.250 tấn (năm 2011 là 250.000 tấn), chỉ bằng 79% so với cùng kỳ. Lượng đường các doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu, đã mở L/C khoảng 70.000 tấn.

Theo bà Lương Ánh Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), với lượng đường sản xuất trong nước và nhập khẩu, tổng nguồn đường dự kiến sẽ có khoảng 670.000 tấn, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng khoảng 5 tháng cao điểm (mùa nắng nóng và nguyên liệu sản xuất phục vụ Tết Trung thu) và đủ đến tháng 9 nếu không có biến động lớn.

Tính toán của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cho thấy, tổng nhu cầu năm nay khoảng 1,4 triệu tấn, trong khi sản xuất trong nước khoảng 1,1 triệu tấn nên việc cấp phép nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2011 là 250.000 tấn là phù hợp với nhu cầu.

Việc tiêu thụ đường trong 4 tháng đầu năm diễn ra bình thường, thậm chí cao hơn so với cùng kỳ và mức giá thu mua mía và giá thu mua mía đảm bảo quyền lợi cho nông dân trồng mía và hiệu quả các nhà máy đường.

Đưa mía vào sản xuất tại Nhà máy đường Hiệp Hòa. Ảnh: THANH TÂM

Đưa mía vào sản xuất tại Nhà máy đường Hiệp Hòa. Ảnh: THANH TÂM

  • Nhà máy đường "khi khỏe có nhớ ai”!?

Theo Bộ Công thương, hiện nay, giá bán buôn đường RS khoảng 17.000-18.500 đồng/kg, đường trắng RE khoảng 18.000-20.000 đồng/kg tùy khu vực, giảm khoảng 500-1.000 đồng so với những tháng đầu năm nhưng vẫn cao hơn khoảng 2.500-3.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2010.

“Than thở” về việc giá đường giảm và sự khó khăn của các nhà máy đường, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, việc công bố hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2011 vào đầu năm đã tạo tâm lý không tốt, khiến các doanh nghiệp thương mại có tâm lý cung nhiều, không mua nên giá đường hạ và hiện giá đường giảm nhưng vẫn bán chậm.

Cùng với đó, do những khó khăn của lãi suất ngân hàng cao nên các doanh nghiệp thương mại cũng không mua dự trữ, khiến các nhà máy đường buộc phải dự trữ cộng với vẫn phải mua mía của nông dân khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Theo tính toán của ông Long, với lượng đường doanh nghiệp thương mại nhập khẩu cộng với tồn kho, đến tháng 9 và tháng 10 tổng lượng đường khoảng 800.000 tấn, thừa 100.000 tấn trước khi bước vào mùa vụ sản xuất 2011-2012, chưa kể khoảng 120.000 tấn đang tạm hoãn nhập sẽ gây khó khăn đến giá đường, ảnh hưởng đến người nông dân.

Do đó, ông Long kiến nghị cần phải tính toán kỹ việc tạm ngừng nhập khẩu mía đến thời điểm nào để không bị ảnh hưởng đến các bên liên quan.

Cũng theo ông Long, nhiều người cho rằng giá đường cao nhưng giá như thế nào gọi là cao phải được tính toán kỹ trên cơ sở thu nhập người nông dân. “Theo quan điểm của tôi, giá đường trên 18.000 đồng/kg thì người nông dân mới quan tâm đến công nghệ, kỹ thuật sản xuất và muốn trồng mía”, ông Long nói.

Phân tích về giá đường trong nước hiện nay là cao và thực tế không ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người nông dân như Hiệp hội phản ánh, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, giá đường thế giới từ đầu năm đến nay giảm 18% nhưng giá đường trong nước giảm 2%-9% tùy loại. “Vậy thế nào gọi là giá hợp lý?”, ông An đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó có một thực tế là hiện nay, giá bán lẻ đường tại nhiều chợ đầu mối, siêu thị lên tới 26.000 đồng/kg, ông An đặt vấn đề, giá đường cao do hệ thống phân phối của các doanh nghiệp có vấn đề và vấn đề đó nằm ở chính khâu từ nhà sản xuất đến các đại lý, nhà phân phối.

Tại sao có thời điểm năm 2010 khi giá đường cao, do tâm lý người dân xếp hàng đi mua, Nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp bình ổn giá đường nhưng không doanh nghiệp nào hưởng ứng, lượng hàng đưa ra nhỏ giọt. Nay giá đường như vậy đã kêu ảnh hưởng. “Tôi xin nói thật, các doanh nghiệp khi khỏe có nhớ đến ai không”, ông An nói thẳng.

Để tránh bị động và khó khăn khi bị các doanh nghiệp thương mại không chịu nhập hàng để dự trữ và giá cả thất thường, theo ông An, các doanh nghiệp sản xuất đường cần có hợp đồng dài hạn với các nhà phân phối thay vì các hợp đồng ngắn hạn.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), trước mắt để tạo tâm lý và kích thích tiêu dùng thì nên có biện pháp tạm ngừng hạn ngạch nhập khẩu đường một thời gian, tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp dự trữ đường trong thời gian nhất định. Còn về lâu dài cần có biện pháp tính toán dự trữ lưu thông khoảng 200.000 - 300.000 tấn đường để cân đối cung cầu.

Thừa nhận doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì lãi suất ngân hàng cao, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, hiện Bộ Công thương đã yêu cầu các nhà máy đường (đã được cấp phép nhập khẩu đường thô thời hạn thực hiện đến 30-6) dừng nhập khẩu; các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chưa ký hợp đồng mới, giãn tiến độ nhập khẩu đối với các hợp đồng đã ký đến hết tháng 7; các doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất ưu tiên sử dụng đường trong nước; phối hợp với các bộ ngành, địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng nhập lậu đường.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục