Thông tin về việc giá lúa đang tăng cao và sản lượng gạo xuất khẩu tăng về khối lượng lẫn giá trị trong quý 1-2016 không làm cho những người quan tâm tới triển vọng ngành nông nghiệp có một niềm vui trọn vẹn. Nhìn lại tình hình chung trên thế giới, có thể thấy chính sự biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến giá cả lúa gạo như hiện nay. E ngại giá gạo sẽ tăng cao do khan hiếm nên một số quốc gia, vốn là bạn hàng nhập gạo của nước ta, đã có tính toán trước, không ngại đẩy mạnh nhập khẩu gạo ngay từ bây giờ. Trong khi đó, tại nước ta, dự kiến El Nino còn kéo dài đến tháng 6-2016; hạn, mặn xâm nhập sâu đã làm thiệt hại hàng trăm ngàn hécta lúa mới gieo sạ ở đồng bằng sông Cửu Long, giới chuyên môn đã dự kiến trong mùa vụ tới sẽ thất thu hàng trăm ngàn tấn lúa và chắc chắn về lâu dài sẽ làm giảm năng suất và sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình hình thời tiết và khí hậu càng ngày càng chuyển biến bất thường theo hướng khắc nghiệt thêm trên thế giới cũng như trong nước, gây ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất nông nghiệp, ai cũng đoán trước được giá lúa gạo sẽ không ngừng tăng cao; điều này không loại trừ phát sinh tình trạng doanh nghiệp đua nhau đầu cơ cục bộ kiếm lời. Trong thực tế, thương lái vẫn lùng sục mua lúa trong nông dân với giá cao. Trước mắt, đây cũng là tín hiệu vui cho nông dân. Tuy vậy, những người quan tâm đến ngành nông nghiệp căn cơ và bền vững không khỏi ái ngại khi nông dân quay trở lại tâm lý sản xuất lúa xuất khẩu theo kiểu cũ, với thế mạnh là xuất khẩu cho nước nghèo, cứu đói. Cung cách làm ăn xuất khẩu gạo của ta theo xu hướng ấy chỉ cần chú trọng về lượng mà không cần chất, đã làm cho ngành xuất khẩu gạo ta phải khốn đốn trong vài năm gần đây trước sự cạnh tranh khốc liệt của một số nước khác. Ngay bây giờ, các doanh nghiệp cứ mạnh dạn thu mua lúa trong dân bất kể phẩm chất, mong sao cung ứng đủ cho thị trường xuất khẩu để kiếm lời, càng làm cho tâm lý nông dân trọng về lượng hơn về chất, càng đẩy xa việc xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thương trường quốc tế.
Do vậy, các cơ quan chức năng nên có hướng điều chỉnh sản xuất sao cho hợp lý. Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong việc vạch chiến lược, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tái cơ cấu nông nghiệp cũng như chọn lợi thế từng vùng, chọn giống, chọn mô hình, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, chọn cách đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp tạo dòng chảy vốn lớn vào nông nghiệp, để việc đưa đề án “Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia” thành hiện thực.
NGUYỄN MINH ÚT (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)