Cách đây chừng một năm, nhiều người, nhất là giới công nghệ vi mạch tự hào và kỳ vọng khi có thông tin TPHCM xây dựng nhà máy sản xuất chip. Thông tin cụ thể về việc xây dựng nhà máy đầu tiên của Việt Nam được đăng tải khá cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin xây dựng nhà máy chip rồi cũng yên ắng khi hơn một năm qua, không có thông tin gì mới hơn ngoài những thông tin chung chung và xem như là hiển nhiên với một dự án, như đang trong quá trình tìm kiếm đối tác, đang làm các công tác chuẩn bị… Thời gian vẫn cứ thế trôi đi, đã bước qua 2013 với những kỳ vọng tăng tốc, phát triển mới.
Những ngày đầu năm 2013, trong lễ phát động cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất mới được nghe những chuyển biến của việc xây dựng nhà máy chip tại TPHCM. Nhưng trước những thông tin mới về xây dựng nhà máy chip, một câu chuyện làm chúng ta phải suy nghĩ. Từ 2010 đến nay, 3 năm trời mới tìm ra đối tác nước ngoài chịu sản xuất con chip SG8V1 của Việt Nam với khẳng định dư sức cạnh tranh về chất lượng, giá thành với những con chip cùng loại của các hãng vi mạch danh tiếng trên thế giới. Lý do được đưa ra chỉ vì con số sản xuất 150.000 con chip là số lượng quá nhỏ. Trong sản xuất vi mạch, thời gian chuẩn bị máy móc, lập trình để sản xuất SG8V1 mất một ngày nhưng để máy móc tạo ra 150.000 con chip thì chưa mất một giờ, quá kém hiệu quả trong sản xuất nên tìm mãi mới ra đối tác chịu sản xuất chip SG8V1 cũng là điều dễ hiểu. Hiểu và thấy rằng, khát vọng có một nhà máy chip của Việt Nam, tại Việt Nam vẫn cháy bỏng. Giá mà chúng ta có một nhà máy chip…
Tại lễ phát động cuộc thi nói trên, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn Nguyễn Thành Quang cho biết: Về xây dựng nhà máy chip, chúng tôi đã “thai nghén” 7 năm nay. Toàn bộ dự án đã hoàn chỉnh, đang chờ TP phê duyệt. Ông Nguyễn Thành Quang cũng nhấn mạnh, đây là dự án có tầm quốc gia nên cũng rất cần thời gian để các nhà quản lý, nhà khoa học xem xét, đánh giá kỹ càng. Có thể nói, thông tin của ông Quang là không mới mà mới là thông tin của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, Phó ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển vi mạch TPHCM. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá xây dựng nhà máy đang giảm, nguyên nhân giảm giá là do hiện có nhiều đối tác chào hàng, cạnh tranh với nhau…
Các chuyên gia vi mạch đã khẳng định, xây dựng một nhà máy sản xuất chip có kích cỡ bản mạch 130 nanomet, công xuất mỗi năm 300 triệu chiếc với số tiền đầu tư ban đầu đề ra 200 triệu USD chỉ là một nhà máy vừa phải, không phải là tiên tiến nhất. Vậy, trước thực tế có nhiều đối tác chào hàng, cạnh tranh với nhau… với giá rẻ hơn thì kỹ càng hơn trong chọn lựa đối tác, công nghệ và các “gói dịch vụ” kèm theo là vấn đề không kém phần quan trọng.
TẤN BA