(SGGPO).- Chia sẻ thông tin tham luận tại chương trình tọa đàm chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ LĐTB-XH và UNICEF khu vực Đông Á – Thái Bình Dương chủ trì tổ chức sáng 29-3 tại Hà Nội, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm sử dụng mạng internet và công nghệ cao để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em (cả nam và nữ) – từ gián tiếp đến trực tiếp, ở Việt Nam đang gia tăng nhanh và khó lường trong những năm gần đây.
Trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước xảy ra trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân (trong đó xâm hại tình dục chiếm tới 65% và nổi lên gần đây là tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em nam đang có dấu hiệu gia tăng).
Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em cho thấy, các tội phạm thường sử dụng các “chiêu” như thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim ảnh đồi trụy trẻ em qua mạng; tổ chức các buổi gặp mặt thành viên tại nhà riêng, quán game, bể bơi... để xâm hại. Trong quá trình triển khai hành vi phạm tội, các đối tượng đã khai thác triệt để sức mạnh của internet. Từ các hoạt động trên mạng (gián tiếp) để tiến tới các hoạt động trực tiếp trong đời sống thực bằng cách thường xuyên các buổi “offline” cho các thành viên diễn đàn, lôi kéo nhiều trẻ em cùng tham gia tại các bể bơi, nhà riêng, quán game... để lợi dụng và có hành vi xâm hại tình dục, dâm ô với các trẻ em là nạn nhân.
Mục tiêu mà chúng nhắm đến là các học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Qua điều tra, 90% số vụ xâm hại tình dục trẻ em thì nghi can là những người quen, thường xuyên gần gũi như người quen của cha mẹ, hàng xóm, thầy giáo, thậm chí là bố dượng...
Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm không chỉ là các đối tượng trong nước mà có cả người nước ngoài. Chiêu bài mà các tội phạm sử dụng chỉ đơn giản là viết tiếng nước ngoài (tiếng Anh) rồi dịch tự động sang tiếng Việt thông qua Google rồi gửi vào cửa sổ chat cho các em đọc. Trong khi theo điều tra thì ở Việt Nam hiện nay số người tham gia các mạng xã hội chiếm tới 31% dân số, do đó nguy cơ trẻ em bị xâm hại thông qua các mạng xã hội là đáng báo động.
Trong thời gian tới, dự báo sẽ có khoảng 6-7 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch mỗi năm cũng là thời cơ để các đối tượng tội phạm nhập cảnh vào Việt Nam qua đường du lịch, sau đó sử dụng các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo trẻ em để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh gần đây xuất hiện rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em một cách nghiêm trọng. Theo UNICEF và các tổ chức tham dự hội thảo nêu ra, giải pháp khả thi nhất là phải tăng cường sự quản lý của các cha mẹ đối với con cái và đưa nội dung phòng chống xâm hại tình dục vào chương trình giáo dục tại các trường học.
VĂN PHÚC