Gia tăng nạn khai thác cát lậu

Ém chỗ này bùng chỗ kia
Gia tăng nạn khai thác cát lậu

Báo SGGP ngày 7-4 đăng bài “Siêu dự án hút cát” nêu vấn đề, dự án Khu liên hiệp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cần sử dụng trữ lượng cát sông khổng lồ (hơn 6.000m³/ngày) đã đẩy giá cát ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên 350.000 đồng/m³. Giá cát cao khiến nạn khai thác cát lậu trên nhiều dòng sông diễn ra ráo riết...

Khai thác cát trái phép trên sông Rào Trổ.

Khai thác cát trái phép trên sông Rào Trổ.

Ém chỗ này bùng chỗ kia

Sông Gianh đoạn qua huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch (Quảng Bình) bị sạt lở nghiêm trọng cũng phần lớn do khai thác cát sạn trái phép. Thời gian qua, lực lượng CSGT đường thủy đã siết chặt tàu thuyền khai thác cát trái phép nên tình trạng ở đây có phần giảm hẳn. Nhưng các nậu cát đổi chiến thuật khai thác vào ban đêm khiến công tác tuần tra kiểm soát khá khó khăn.

Mặt khác, khi sông Gianh bị siết chặt kiểm tra từ lòng sông đến các bãi tập kết, hàng trăm tàu thuyền khai thác cát lậu lại kéo vào sông Son (một nhánh của sông Gianh) trên địa bàn huyện Bố Trạch để khai thác. Gần đây các xã Liên Trạch, Hưng Trạch bùng phát khai thác cát trái phép vào ban đêm.

Một người dân ở Liên Trạch cho biết: “Mấy năm trước khai thác cát ít lắm, năm nay họ ùn ùn kéo lên đây, thậm chí ban đêm còn thúc vòi rồng xuồng gần cầu đường sắt Ngân Sơn để hút cát. Có đêm cả mấy chục tàu nổ máy om trời cả vùng, chẳng ai làm chi được”.

Tại xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh), người dân phản ánh hàng trăm tàu thuyền các nơi đổ về đây khai thác cát lậu trên đoạn hợp lưu giữa hai con sông Kiến Giang và Long Đại. Người dân bức xúc trước cảnh đêm đêm hàng trăm tàu thuyền nổ máy ầm ầm để hút cát, họ lo ngại hai bên bờ sẽ bị sạt lở và mùa mưa lũ đất vườn bị cuốn mất.

Tại Hà Tĩnh, nhiều nơi cấm khai thác cát quyết liệt thì cũng lắm cá nhân tìm mọi cách để có cát. Họ ngang nhiên mở hàng loạt mỏ cát lậu trên sông Rào Trổ đoạn qua xã vùng thượng Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng (Kỳ Anh).

Tại các xã Kỳ Lạc, Kỳ Lâm, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, dễ dàng bắt gặp cảnh tượng hàng trăm xe ben mang biển số 38 chở đầy ắp cát nối đuôi nhau từ sáng sớm đến chiều tối. Trên bờ la liệt bến cát, đụn cát tự phát mọc lên khiến người dân bức xúc. Dưới sông, nước đục ngầu, nhiều đoạn bị ngăn, nắn dòng chảy chia ba xẻ bốn để đắp đường dã chiến cho xe tải đi vào khai thác, vận chuyển cát. Tiếng nổ ầm ầm phát ra từ các máy ngoạm, máy xúc, xe tải thay phiên nhau móc cát dưới đáy sông… cả một khu vực như công trường.

Ông Nguyễn Văn H. (Kỳ Lạc) bức xúc: “Họ ngang nhiên ngăn sông, lập bến, lập mỏ lấy cát suốt ngày đêm. Dân nhiều lần phản ánh lên xã, huyện nhưng không hiệu quả”.

Xã tiếp tay?

Theo tìm hiểu, tình trạng khai thác cát tràn lan trái phép trên sông Rào Trổ ở Kỳ Anh có phần trách nhiệm của chính quyền một số địa phương. Vì muốn có thêm nguồn kinh phí để trang trải các hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất của xã nên xã đã tự ý cho phép nhiều cá nhân vào đây khai thác cát mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng.

Một lãnh đạo UBND xã Kỳ Lạc thừa nhận, xã này có sai sót khi tự ý ký hợp đồng, cho phép một số cá nhân, doanh nghiệp khai thác, vận chuyển cát trên sông Rào Trổ làm ảnh hưởng đến môi trường, đường sá và dân sinh. “Vì xã nghèo, thiếu kinh phí xây dựng nên chúng tôi mới cho họ khai thác cát để lấy tiền sửa sang một số công trình cơ bản trên địa bàn. Nhưng dù sao đó cũng là việc làm không đúng, lạm quyền, sai với quy định của pháp luật…”, vị cán bộ này cho biết. Tương tự, xã Kỳ Thượng cũng thừa nhận sai trái khi cấp phép cho một số cá nhân khai thác cát trên sông Rào Trổ là vì xã muốn có thêm nguồn thu để chi phí cho một số hoạt động…

Các xã Văn Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa, Phong Hóa (Tuyên Hóa), Cảnh Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình) trước đây khi cát tặc lộng hành, cấp trên chỉ đạo cần dẹp nạn móc sông của cát lậu. Các địa phương trên đồng thanh nói bất lực vì lực lượng mỏng, chỉ khi Phòng CSGT tỉnh vào cuộc, nạn cát tặc mới chấm dứt.

Cũng từ đây, cơ quan chức năng như Sở TN-MT, công an, Thanh tra GTVT kiểm tra mới phát hiện xã cấp trái phép nhiều bãi cát lậu buộc phải dẹp, trả lại nguyên trạng hiện trường đất đai dọc sông Gianh, cũng như xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo xã Phong Hóa.

Nhưng nay, các địa phương này lại cấp tập báo cáo huyện tình trạng khan cát để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xây dựng đường sá nông thôn mới ở các xã này cơ bản đã hoàn thành.

Hiện tình trạng cát tặc khoét sông ở các địa phương vẫn chờ cơ hội bùng phát mạnh hơn, bởi lợi nhuận thu được từ nguồn lợi này đang rất cao.

MINH PHONG - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục