Giá thuốc vẫn cao chót vót

Giá thuốc vẫn cao chót vót

Chiều nay, 22-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu sẽ đăng đàn trả lời chất vấn nhiều vấn đề đang được công luận rất quan tâm. Trong số những vấn đề này có việc giá thuốc chữa bệnh, nhất là các loại biệt dược, đặc trị tăng chóng mặt, khiến nhiều người bệnh khốn đốn. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (UBVCVĐXH) xung quanh câu chuyện quản lý giá thuốc và năng lực của ngành công nghiệp dược Việt Nam.

Người dân mua thuốc tại một hiệu thuốc ở Q1, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Người dân mua thuốc tại một hiệu thuốc ở Q1, TPHCM.
Ảnh: MAI HẢI

- PV: Thưa ông, chuyện giá thuốc luôn có xu hướng tăng mạnh rõ ràng là một thực trạng đã diễn ra trong thời gian dài... 

Ông Đặng Như Lợi: Như mọi người đã biết, hiện nay lượng thuốc sản xuất được trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của thị trường. Nhưng ngay cả phần sản xuất trong nước,  90% nguyên liệu cũng phải nhập từ nước ngoài, nói cách khác là chúng ta gần như chỉ “gia công” thuốc là chính. Thế thì khó tránh khỏi phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

- Tại sao Việt Nam không đầu tư nghiên cứu, sản xuất ngay từ nguyên liệu?

Ai chả muốn vậy, nhưng đó thực sự là điều khó. Hóa chất để sản xuất dược phẩm hiện nay nằm trong tay một số ít tập đoàn có kinh nghiệm của Thụy Sĩ, Đức, Mỹ, Hungary...  Ngay cả Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đều bị lệ thuộc phần nào, nhất là với một số loại biệt dược. Nếu mình tập trung làm thì cũng có thể được, nhưng giá thành có khi còn đắt hơn. Cho nên làm cái gì, từ khâu nào cũng phải cân nhắc.

- Lẽ nào bất cập về giá thuốc chủ yếu là do khách quan? 

Có yếu tố khách quan, nhưng rất nhiều vấn đề về quản lý chứ. Ngay cả với thuốc sản xuất trong nước chứ không riêng gì thuốc nhập. Hiện nay ta giao cho cơ sở sản xuất kinh doanh quyết định giá nhập nguyên liệu trên cơ sở cạnh tranh, nhưng nhỡ họ liên kết thông đồng với nhau “làm giá” thì làm thế nào? Chưa thấy có giải pháp hiệu quả. Trong khi theo Pháp lệnh giá thì đây là một mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế quốc dân; cần có sự quản lý toàn diện.

- Thế còn việc bán thuốc đến tay người tiêu dùng? Người dân đi mua thuốc thường nói bao nhiêu mua bấy nhiêu, không mặc cả, không biết giá thuốc bao nhiêu là hợp lý. Thậm chí, giá thuốc bán trong bệnh viện còn cao hơn ở nhiều cửa hàng bên ngoài?

Việc mua – bán thuốc đâu có diễn ra ở Bộ Y tế. Nó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở từng địa phương. Tôi cho rằng địa phương cũng phải có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục. Còn mua thuốc trong bệnh viện thì phải nói là có nhiều bất hợp lý trong cơ chế đấu thầu thuốc tại các bệnh viện hiện nay. Một điểm bất hợp lý dễ thấy nhất là “ông Bảo hiểm xã hội “ – người chi tiền nhiều nhất để mua thuốc, một năm tới 4.000 -5.000 tỷ đồng – lại không phải là “nhân vật chính” trong các cuộc đấu thầu.

Cuối tháng 10, UBVCVĐXH đã đề nghị Bộ Y tế nên thí điểm đấu thầu tập trung. Trước mắt, có thể chọn một số thành phố lớn, TPHCM hay Hà Nội thí điểm đấu thầu tập trung để có giá tham khảo cho cả nước. Tôi được biết Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi thông tư liên quan đến đấu thầu thuốc và cho rằng việc này phải làm sớm.

- Trong năm 2010, UB đã có tới 2 đợt giám sát về giá thuốc, vậy những kiến nghị của UB đã góp phần làm chuyển biến tình hình như thế nào, thưa ông?

Những gì rút ra được chúng tôi đã nói đến nơi đến chốn rồi; đều đã có kết luận và kiến nghị rõ ràng. Nhưng nếu nhìn vào thực tế thì phải nói thẳng là  chưa thấy chuyển biến bao nhiêu. Thực tế giá thuốc vẫn cao chót vót và chênh lệch rất lớn giữa các địa chỉ cung cấp.

Anh Thư thực hiện

Tin cùng chuyên mục