Giá trị nghệ thuật từ những bộ phim chi phí thấp

Từ ngày 21-3 đến 1-4, Liên hoan (LH) Đạo diễn mới/Phim mới lần thứ 41 đã khai mạc tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại và Lincoln Center tại New York (Mỹ). Điểm nhấn của LH này chính là các tác phẩm điện ảnh chi phí thấp nhưng giàu giá trị nghệ thuật và nhân văn.
Giá trị nghệ thuật từ những bộ phim chi phí thấp

Từ ngày 21-3 đến 1-4, Liên hoan (LH) Đạo diễn mới/Phim mới lần thứ 41 đã khai mạc tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại và Lincoln Center tại New York (Mỹ). Điểm nhấn của LH này chính là các tác phẩm điện ảnh chi phí thấp nhưng giàu giá trị nghệ thuật và nhân văn.

  • Sân chơi của những hoài bão lớn

Street Vendor Cinema, bộ phim ngắn của một đạo diễn đến từ Brazil, là ví dụ điển hình cho phim chi phí thấp nhưng có giá trị cao về nghệ thuật. Đoàn làm phim chỉ dùng một camera kỹ thuật số, vài trang phục đơn giản cùng phông màn sân khấu dựng sẵn, trong khi diễn viên đa phần là người đi đường tại một khu phố sầm uất tại Sao Paulo. Một tác phẩm điện ảnh kể về số phận một gia đình điền chủ đầy quyền lực ở thế kỷ 19 với các cảnh quay từ hành động kịch tính đến tình cảm lãng mạn được ra đời.

Tờ New York Times dẫn lời một số chuyên gia nhận định: LH lần này không phải là nơi tìm kiếm những kiệt tác, những bộ phim bom tấn nhưng là cơ hội để phát hiện những nhà làm phim triển vọng, những bộ phim ấn tượng.

Năm ngoái, 2 bộ phim Margin CallIncendies tham dự LH đã được giới phê bình điện ảnh và công chúng đánh giá khá cao. Do chi phí thấp, các đề tài thường xoay quanh các vấn đề mang tính địa phương. Tuy nhiên, với 29 bộ phim và 12 phim ngắn ở các thể loại đến từ 28 quốc gia trên thế giới, quy mô của LH thật sự mang tính toàn cầu. Khá nhiều chuyên gia điện ảnh đã nhận định rằng đây là sân chơi của “những người sở hữu công cụ khiêm tốn nhưng thể hiện hoài bão lớn”.

  • Phản ánh mọi khía cạnh của xã hội

Mở màn cho LH là phim Where Do We Go Now của nữ đạo diễn Nadine Labaki, người Lebanon. Bộ phim lấy bối cảnh một ngôi làng ở Lebanon có nguy cơ xảy ra xung đột bởi tranh chấp giữa 2 tôn giáo là Thiên Chúa giáo và đạo Hồi. Các phụ nữ trong làng dốc sức ngăn chặn không để bạo lực xảy ra, tránh cho chồng con bị cuốn vào cuộc chiến tàn khốc. Cuối cùng, những người phụ nữ quyết định áp dụng chiến thuật Lysistrata - dùng mỹ nhân kế, dập tắt ngọn lửa hận thù sục sôi của những người đàn ông trong làng. Bộ phim hướng đến sự hòa giải trong tôn giáo, nguyên nhân dẫn đến khá nhiều cuộc xung đột trên thế giới hiện nay.

Một cảnh quay trong phim Minister.

Một cảnh quay trong phim Minister.

Minister lại là một bộ phim mang đậm tính chính trị của đạo diễn người Pháp Pierre Scholler. Tác phẩm đã phản ánh rõ nét các hoạt động bên trong một guồng máy quyền lực trong thời kỳ khủng hoảng. Bộ phim được ví như biên niên sử về cuộc đời một bộ trưởng giao thông vận tải đầy tham vọng. Với diễn xuất của nam diễn viên điện ảnh người Bỉ Olivier Gourmet, người xem như được sống trong cuộc sống của một vị quan chức cấp cao với “cơn lốc” của sự hoài nghi, tham vọng và giằng xé tư tưởng.

Sự thành công của Scholler còn là thể hiện rõ được sự đối lập tồn tại song song trong cuộc sống như thủ tục quan liêu rườm rà và sự nhiệt huyết, năng động; sự nhạt nhẽo của công việc công sở và vẻ đẹp của những con người làm công việc nhàm chán. 

ĐỖ CAO (Theo New York Times)

Tin cùng chuyên mục