Sau khi Bắc Kinh công bố kết quả điều tra dân số đã đạt xấp xỉ 1,34 tỷ người, hàng loạt các tờ báo lớn trên thế giới đã có những bài viết nhận định cơ cấu dân số Trung Quốc đang là “vấn nạn khó gỡ” có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự thịnh vượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Báo Le Monde (Pháp) nhận định rằng, thoạt nhìn số liệu mới được công bố, chính sách gia đình một con của Trung Quốc đã thành công. Mức tăng dân số trong 10 năm, từ năm 2000 đến nay chỉ có 0,57%/năm, giảm một nửa so với giai đoạn thập kỷ 1990. Song nếu suy đi tính lại, rõ ràng là lợi bất cập hại, bởi dân số nước này đang bị lão hóa, mất cân đối.
Các số liệu cho thấy, sự thiếu hụt lao động trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ xảy ra sớm hơn dự kiến. Với tựa đề “Trung Quốc đối mặt với hiện tượng lão hóa và đô thị hóa”, báo Le Figaro tập trung phân tích mặt trái của chính sách một con ở quốc gia châu Á khổng lồ này.
Theo dự báo, Trung Quốc sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển trung hạn. Thêm vào đó, quá trình công nghiệp hóa ồ ạt của Trung Quốc đã kéo theo sự gia tăng nhanh chóng số người tìm đến sống ở đô thị. Năm 2000, dân số thành thị ở Trung Quốc chỉ chiếm 36,1%, nhưng năm 2010, con số này lên đến 49,7%. Người dân rời bỏ đồng quê lên thành thị sinh sống thường có cuộc sống tốt hơn, vì thế tuổi thọ cũng tăng theo. Theo thống kê, số người trên 60 tuổi chiếm 13,26% dân số. Do đó, chính phủ sẽ phải cố gắng hơn nữa trong công tác an sinh xã hội và bảo hiểm y tế.
Báo Le Monde nhận định, dường như Bắc Kinh chưa có một chiến lược thật sự để đối phó với tình trạng dân số lão hóa khi hiện tại, chính phủ chỉ tập trung giáo dục thanh niên.
Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành quả từ việc phân chia dân số, được coi là đóng góp quan trọng trong đột phá kinh tế của đất nước vốn có lợi thế về lao động giá rẻ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, theo báo Times, lực lượng lao động trẻ của Trung Quốc từng thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế của đất nước này là nguồn lao động giá rẻ cho các hầm mỏ, nhà máy, các công trường xây dựng… cũng đã ngưng phát triển.
Các nhà nhân khẩu học dự đoán vào năm 2040, ước tính độ tuổi trung bình của người Trung Quốc sẽ cao hơn người Mỹ. Người có tuổi dưới 14 hiện chiếm 16,6% dân số, giảm tới 6,29% so với năm 2000. Số lượng dân số trẻ giảm cho thấy dân số của Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc sẽ tăng tới 33% vào năm 2050.
Các chuyên gia cảnh báo “Trung Quốc sẽ là quốc gia lớn đầu tiên trên thế giới có tỷ lệ dân số già trước khi nước này đứng vào hàng ngũ các nước giàu”.
Hạnh Chi