Thị trường tiền tệ tưởng như được kiềm chế sau khi hàng loạt biện pháp bình ổn thị trường được phát ra từ Ngân hàng Nhà nước trong đó có quyết định mới nhất là nâng lãi suất cơ bản VND lên 9%; nhưng trong ngày đầu tuần 8-11, thị trường vàng, USD lại tiếp tục “nổi sóng”!
Đầu cơ và làm giá?
Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng SJC, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước vẫn tăng mạnh dù giá thế giới đi xuống là do trưa cùng ngày giá USD quy đổi trên thị trường tự do tăng, đẩy giá vàng tăng theo. Thêm vào đó, thị trường trong nước cùng ngày hầu như chỉ có người đi mua vàng chứ không có người đi bán vàng, trong khi nguồn cung lại có hạn vì sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho các doanh nghiệp nhập 9 tấn vào ngày 8-10 vừa qua, đến nay vẫn chưa có động thái nào thêm dẫn đến mất cân đối cung cầu. Các cửa hàng kinh doanh vàng đã cố tình “đẩy” giá vàng trong nước lên cao để hạn chế lực mua.
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ) lại cho rằng, sở dĩ giá USD tăng trở lại dù Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xem xét “bơm” USD cho các doanh nghiệp có thể do hiện tượng gom USD để nhập vàng vì giá vàng trong nước hiện nay quá cao so với giá thế giới trong khi sức mua lại rất lớn.
Ngày 8-10, giá vàng thế giới giảm 5 USD, xuống 1.388,7 USD/ounce, so với cuối tuần trước. Mặc dù vậy nhưng cùng ngày giá vàng trong nước vẫn liên tục “phi nước đại”. Tại Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng SJC mở cửa vào lúc đầu ngày ở mức 35,22 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,32 triệu đồng/lượng (bán ra), tuy nhiên sau 19 lần thay đổi giá niêm yết, lúc 16 giờ chốt ở mức 35,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,75 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 550.000 đồng/lượng so với mức giá trước đó một ngày.
Theo giới kinh doanh cho biết, mức giá cao nhất được lập trong ngày là vào lúc 15 giờ 15 phút: 35,70 triệu đồng/lượng (thu vô) và 35,80 (bán ra). Cùng với giá vàng, giá USD trên thị trường tự do sau hai ngày cuối tuần đứng yên, cũng tăng vọt trở lại mốc 21.000 đồng/USD, tăng 250 đồng/USD so với giá mở cửa và tăng 300 đồng/USD so với mức giá trước đó một ngày.
Thị trường vẫn chờ USD từ Ngân hàng Nhà nước
Sau khi Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ bán ngoại tệ đảm bảo nhập khẩu các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu, giá USD trên thị trường tự do lẫn thị trường liên ngân hàng đã giảm trong ngày cuối tuần. Tuy nhiên, cho đến đầu tuần này vẫn chưa có chuyển động nhằm làm giảm cơn sốt tăng giá USD.
Một lãnh đạo ngân hàng quốc doanh cho biết sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ bán ngoại tệ bình ổn thị trường, đã có ngân hàng đăng ký mua USD nhưng chưa được chấp nhận.
Đến ngày hôm qua ngân hàng này liên hệ với Ngân hàng Nhà nước thì nhận được câu trả lời rằng tiếp tục chờ đến khi có hướng dẫn về cách thức đăng ký và đối tượng cụ thể được đáp ứng nguồn ngoại tệ, thế nhưng không biết khi nào hướng dẫn này sẽ được ban hành. Do hiện tại các doanh nghiệp vẫn đang trong tâm trạng chờ đợi hành động cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước nên chưa có nhiều doanh nghiệp chấp thuận bán ngoại tệ cho ngân hàng.
Trong khi đó, nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn ở mức cao do đây là thời điểm thanh toán đơn hàng và những doanh nghiệp chưa mua được ngoại tệ trong tháng 10 tiếp tục mua đăng ký mua trong tháng 11.
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ xem xét cụ thể các trạng thái ngoại tệ từng ngân hàng thương mại, dòng tiền ngoại tệ đi vào hàng ngày của ngân hàng thương mại và nhu cầu, mục đích sử dụng để có các biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không công bố thời gian và số lượng ngoại tệ cụ thể dự định sẽ bán ra cho các ngân hàng.
Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cho rằng, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước có hạn, do vậy nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp cũng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu chứ không thể can thiệp đại trà. Việc can thiệp bán USD của Ngân hàng Nhà nước là giải pháp trước mắt, còn giải pháp hữu hiệu là tăng lãi suất huy động bằng tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay sẽ có tác động tích cực lên thị trường ngoại tệ trong một vài ngày tới.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng, khi lãi suất huy động cao, người dân sẽ tính toán, cộng cả tăng tỷ giá với lãi suất gửi USD vẫn thấp hơn lãi suất VND, họ sẽ bán USD chuyển sang nắm giữ VND. Khi đó, nguồn cung USD sẽ tăng lên, cầu ngược lại sẽ giảm đi.
MAI THI – THỦY DƯƠNG