Ngay sau khi giá xăng tăng, nhiều người đã tính đến các giải pháp đối phó, trong đó việc sử dụng xe đạp và tiết kiệm tối đa các chi phí trong cuộc sống được ưu tiên hàng đầu.
Nhiều người mua xe đạp
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau một ngày xăng tăng giá, tại các phố có nhiều cửa hàng bán xe đạp và xe đạp điện của Hà Nội như Bà Triệu, Nguyễn Lương Bằng, Phố Huế và Thái Hà, số người tới mua các loại xe đạp có chiều hướng tăng cao.
Anh Nguyễn Huy Linh, chủ một cửa hàng xe trên phố Bà Triệu cho biết, trước đây hôm nào đắt hàng lắm, cửa hàng cũng chỉ bán được khoảng 10 xe một ngày, nhưng hôm nay anh đã bán được tới 15 chiếc. Tại nhiều của hàng khác, nhiều chủ hàng cũng tỏ ra phấn khởi không kém vì số người mua xe đạp tăng khá nhiều so với trước.
Phần lớn các loại xe đạp được bán chạy có giá từ 1 - 2 triệu đồng, trong đó xe đạp của nhà máy xe đạp Thống Nhất có giá khoảng 1 triệu đồng một xe được bán khá nhiều. Ngoài ra, các loại xe đạp điện liên doanh lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu từ Trung Quốc như Asama, Songtian, Delta, Five Stars, Yamaha, Miyata có giá 4 - 5 triệu đồng một xe cũng được bán khá nhiều.
Điều đáng mừng là hầu hết, các loại xe đạp đều không tăng giá cho dù nhu cầu của người dân có chiều hướng tăng. Chị Nguyễn Thị Lưu, nhân viên hành chính của một công ty tin học trên đường Giảng Võ cho biết, giá xăng tăng, chị đã quyết định mua xe đạp để đi vì từ nhà chị tới chỉ khoảng 2 cây số, còn xe máy chị chỉ để đi khi có công việc.
Trong khi đó, anh Trần Chí Trung, một chuyên viên về môi trường của Trường ĐHQG Hà Nội lại cho biết, xăng tăng sẽ ít đi xe máy hơn và xe đạp sẽ được dùng nhiều. Chắc chắn đường phố sẽ bớt ồn ào và ô nhiễm hơn, nhưng quan trọng hơn nhiều người sẽ khỏe ra vì đạp xe thay cho tập thể dục.
Tiết kiệm được đặt lên hàng đầu
Không chỉ có nhiều người chuyển từ xe máy sang đi xe đạp, mà số người đi xe buýt cũng tăng lên, nhất là sinh viên và người có thu nhập thấp cho dù tại nhiều tuyến xe buýt ở Hà Nội cảnh chờ đợi, chen chúc là chuyện thường ngày.
Bởi lẽ hiện giá xăng tăng nhưng giá vé xe buýt vẫn được bao cấp nên sự lựa chọn xe buýt phục vụ việc đi lại vẫn được ưu tiên. Tại một số điểm bán vé tháng xe buýt trong ngày hôm nay, cũng có khá nhiều người là cán bộ, công nhân viên chức đi mua vé tháng xe buýt.
Đối với nhiều người không thể chuyển sang đi xe đạp hay xe buýt mà buộc phải sử dụng xe máy, thậm chí ô tô riêng cũng có cách tiết kiệm riêng. Anh Nguyễn Huy Long làm việc ở Bộ Y tế cho biết, trước đây vợ chồng mỗi người một xe máy đi làm thì nay xăng tăng, chồng đèo vợ đi làm, cho dù cũng có nhiều chuyện bất tiện xảy ra.
Nhưng vì kinh tế gia đình, mỗi người đành cố gắng một chút. Trong khi đó, Nguyễn Xuân Lộc, giám đốc một công ty dược phẩm tư nhân cho biết, trước đây mỗi tháng anh phải chi tới gần chục triệu đồng tiền xăng xe ô tô riêng của mình và xe chở hàng của công ty. Nay giá xăng tăng, anh đang định dùng xe riêng của mình để chở hàng đối với chuyến hàng nhỏ lẻ để tiết kiệm chi phí.
QUỐC LẬP
Các tin, bài viết khác
-
Hà Tĩnh: Ra quân Tháng thanh niên và Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
-
Đồng Nai cho phép mở lại một số hoạt động
-
Kết thúc cách ly các trường hợp tiếp xúc với người nghi dương tính với SARS-CoV-2 tại Bạc Liêu
-
Hà Nội tặng bằng khen cho thanh niên cứu cháu bé rơi từ tầng 12A
-
Hà Nội mịt mờ sương khói vì không khí lạnh
-
Đồng Nai: Nhu cầu lao động sau tết tăng cao
-
Những khu phố nghĩa tình
-
Giá gas tăng lần thứ 3 trong năm 2021
-
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL tăng cao vào đầu tháng 3
-
Khởi động Tháng thanh niên bằng hành động thiết thực