Giấc mơ của tiến sĩ nano

TS Hà Phương Thư say sưa kể về nano, về tham vọng của mình với cây thuốc Việt bằng giọng Huế nhè nhẹ, có sức truyền cảm của người từng đứng trên bục giảng. “Có người không đánh giá cao khả năng nghiên cứu của một cô giáo nhưng tôi luôn tự hào dù nhiều lần đề xuất đề tài gặp khó khăn vì quan điểm này. Học là một chuyện, dùng kiến thức để giải quyết vấn đề lại là chuyện khác”, TS Hà Phương Thư chia sẻ.

Khát vọng cứu người từ cây cỏ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống dạy học, cô gái xứ Huế sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế cũng đã có vài năm theo nghề “gõ đầu trẻ”, nhưng sự nghiệp “đèn sách” đã cuốn cô đi. Hà Phương Thư làm nghiên cứu sinh ở Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 2003, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Kết quả học tập xuất sắc, Hà Phương Thư đã nhận được học bổng sau tiến sĩ tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử Pháp.

Những năm tháng du học, được tiếp cận với nhiều vấn đề khoa học, đề tài thú vị và có giá trị trong đời sống, niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong cô thức dậy. Với kết quả nghiên cứu và năng lực làm việc nổi trội, TS Hà Phương Thư đã lọt vào “mắt xanh” của nhiều công ty ở nước ngoài cùng với mức lương hấp dẫn và môi trường làm việc tốt. Song, cô đã quay trở lại Việt Nam, đầu quân cho Viện Khoa học vật liệu.

Một trong những nghiên cứu khoa học nổi bật của TS Hà Phương Thư đã được ứng dụng hiệu quả là chế tạo thành công phức hệ nano FGC, được công bố vào cuối năm 2016. Tính ưu việt của công trình này là sử dụng toàn bộ nguyên liệu từ cây cỏ Việt Nam.

Để có được thành tựu ấy, TS Hà Phương Thư phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như việc thiếu thốn thiết bị để nghiên cứu, chế tạo. Cô phải mày mò tự nghĩ, tự thiết kế, rồi nhờ người làm theo ý mình. Bao lần thất bại, khó khăn liên tiếp đến, có lúc đã muốn bỏ cuộc, nhưng rồi hình ảnh những bệnh nhân ung thư đau đớn trên giường bệnh, nhiều cơ thể suy kiệt vì những đợt hóa trị trước khi chết do khối u lại thúc giục cô tiếp tục công trình.

Sau nhiều năm nghiên cứu, từ chỗ ban đầu là các sản phẩm nano curcumin từ củ nghệ, tiếp đến là phối hợp với củ tam thất và rong nâu, nay sản phẩm của Hà Phương Thư đã hoàn chỉnh, được chuyển giao nguyên liệu nano FGC cho Công ty CVI và Bộ Y tế cấp phép để lưu hành trên thị trường ở dạng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư. “Đã có những bệnh nhân ung thư mà tôi được gặp gỡ, tiếp xúc, họ chia sẻ rằng, chỉ cần 1 ngày được sống họ cũng không bao giờ hết hy vọng. Đó là động lực để tôi không ngừng nghiên cứu”, TS Hà Phương Thư kể.

Giấc mơ của tiến sĩ nano ảnh 1

Ít ai có thể ngờ rằng, ẩn sau dáng hình nhỏ nhắn, dịu dàng ấy là một nhà nghiên cứu đầy tham vọng. Trong hơn 10 năm dấn thân vào việc nghiên cứu công nghệ nano, cô đã chứng minh được năng lực của mình với hơn 40 công bố quốc tế và ISI về lĩnh vực nano y sinh…, nhận được nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Nhưng với nữ tiến sĩ xứ Huế, phần thưởng cao quý nhất là những lời cảm ơn, cái nắm tay trong nước mắt hạnh phúc của hàng trăm người đang mắc chứng ung thư hiểm nghèo. 

Chế phẩm chữa bệnh cho tôm, cá

Gặp cô trong khoảng thời gian hiếm hoi nằm xen giữa các chuyến công tác bận rộn về với người nông dân ở Cà Mau, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị…, cô say sưa nói về những vuông tôm nuôi trong nhà lồng như một người nông dân đích thực. Mỗi thí nghiệm chỉ diễn ra có 3 tháng, nhưng đó là những ngày “mất ăn mất ngủ”.

Cô và các đồng nghiệp của mình tin là mọi quy trình thí nghiệm lâm sàng trên con tôm nuôi trong phòng thí nghiệm đến ngoài thực địa trên mô hình nhỏ đều được giám sát kỹ lưỡng để đảm bảo mỗi thay đổi, tác động dù nhỏ nhất cũng đều được kiểm soát. Song, khi triển khai rộng với diện tích 400m2, rồi những đầm tôm lớn hơn ở chính các vựa nuôi trồng tại Thừa Thiên - Huế, thì tính chất của các thí nghiệm đã khác hơn nhiều bởi tác nhân từ thời tiết. 

Chia sẻ về lý do chuyển từ nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano cho các sản phẩm chức năng hỗ trợ cho người bệnh bị ung thư, xương khớp, dạ dày… sang dòng sản phẩm dành cho nhà nông, TS Hà Phương Thư chia sẻ: “Đó là duyên”. Sau những thành công với chế phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, TS Hà Phương Thư được biết đến nhiều hơn và đó cũng là cơ hội, là động lực để cô bắt tay vào những công trình nghiên cứu ứng dụng khác gần gũi với đời sống.

Năm 2017 có thể coi là giai đoạn “nóng” của xuất khẩu thủy sản khi hàng chục ngàn tấn tôm xuất khẩu bị trả về do lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Bộ NN-PTNT đã cảnh báo, nếu tình hình này tái diễn ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang các nước EU, Nhật Bản và Mỹ. Thậm chí, nhiều thị trường sẽ ngưng nhập khẩu tôm. Cùng với đó, vấn nạn sử dụng thuốc tùy tiện còn dẫn đến lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm vật nuôi cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước. 

Năm 2017 thành công thuốc kháng sinh nano đã giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hoại tử gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng. Sau khi thử nghiệm thành công việc phòng và chữa bệnh cho tôm thẻ chân trắng ở các hồ nuôi tôm tại TP Huế, nhóm nghiên cứu của TS Hà Phương Thư cùng với GS Đặng Đình Kim (Viện Công nghệ môi trường) và TS Mạc Như Bình (Đại học Nông lâm Huế) đã tiến hành chuyển giao nguyên liệu kháng sinh nano cho Công ty Biowish.

“Chỉ với liều dùng cực nhỏ, bằng 1/100 so với việc dùng kháng sinh thông thường, nano kháng sinh đã làm nên một kỳ tích. Số tôm được sử dụng nano kháng sinh không chỉ khỏe mạnh, mà còn cho năng suất cao, bất chấp thời tiết khắc nghiệt và nhiều diện tích nuôi tôm xung quanh đều thất bại vì nhiễm khuẩn và kháng thuốc”, TS Hà Phương Thư chia sẻ. Đặc biệt, do sử dụng lượng kháng sinh rất nhỏ nên không để lại dư lượng trên tôm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thành công này đã mở ra triển vọng mới cho ngành xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam, khi giải quyết được các vấn nạn suốt nhiều năm qua là tôm chết vì nhiễm khuẩn, hoặc tôm khỏe mạnh thì có dư lượng kháng sinh nên bị trả về khi xuất khẩu; từ đó, mở rộng thị trường xuất khẩu, kéo theo phát triển mạnh nghề nuôi tôm trong nước, giải quyết việc làm cho người lao động ở nhiều địa phương.

TS Hà Phương Thư hồ hởi khoe, sắp tới, sản phẩm từ các công trình nghiên cứu này sẽ được triển khai với quy mô lớn hơn, góp phần giải quyết những khó khăn trong sản xuất cũng như xuất khẩu thành phẩm của những người nuôi trồng thủy sản trong nước. Song song với công trình này, nhóm nghiên cứu của cô cũng đang tiến hành thử nghiệm đại trà sản phẩm dưỡng chất nano hỗ trợ chữa bệnh và tăng năng suất cho cây trồng.

Hiện thực hóa giấc mơ

Gần đây, bạn bè trong giới ngạc nhiên hơn khi TS Hà Phương Thư lại công bố một ứng dụng mới với công nghệ nano là máy thu sương dành cho bà con vùng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là kết quả được thai nghén từ những chuyến điền dã về Hà Giang, Lào Cai..., chứng kiến bà con ở đây thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, phải đi hàng cây số đường núi để gánh nước. Vì chưa có kinh phí nghiên cứu từ nguồn ngân sách nhà nước nên nhóm nghiên cứu của TS Hà Phương Thư tự bỏ 60 triệu đồng tiền túi làm nghiên cứu.

Sau mấy tháng, máy thu sương dạng khí động học (tự quay, không cần điện hay ắc quy) đã hoàn thành. Với kích thước 60x80cm, cùng những cánh lưới được đan đặc biệt, máy có thể tạo ra trung bình 20 - 30 lít nước mỗi đêm trong điều kiện sương dày đặc, độ ẩm 100% và có gió. Đặc biệt, loại nước này có thể dùng để làm nước sinh hoạt vì đã được xử lý bằng hạt nano bạc có tác dụng khử khuẩn, chống rêu, mốc. Đây là sản phẩm được cô hoàn thành với tâm ý hướng tới cộng đồng và hoàn toàn phi lợi nhuận. 

Nhận định về thiết bị này, PGS-TS Phan Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, thiết bị thu sương trên không chỉ là sản phẩm mới của viện mà còn là một trong số ít các sản phẩm được Bộ KH-CN lựa chọn để giới thiệu thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu của Việt Nam. Thiết bị nhỏ gọn nhưng hiệu quả và đặc biệt là không dùng điện nên vừa tiết kiệm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Thiết bị thu sương cũng kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân, đặc biệt có ý nghĩa với bà con vùng biên giới và bộ đội biên phòng, hải đảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tiếc thay, đến thời điểm này, dù đã bỏ ra kinh phí đầu tư nghiên khá lớn nhưng việc triển khai quy mô lớn loại máy này vẫn chưa thực hiện được. Song, TS Hà Phương Thư vẫn tin rằng, ứng dụng của mình một ngày không xa sẽ góp phần giải tỏa những cơn khát của đồng bào trên núi cao.

Mời tham gia

Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt (2019 - 2020)

Nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình người tốt việc tốt, nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, với những việc làm, hoạt động, nghĩa cử cao đẹp đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Báo SGGP mời tham gia cuộc thi phóng sự - ký sự Người tốt - Việc tốt (2019-2020).

- Đối tượng và tác phẩm dự thi: Là các nhà báo, nhà văn, các cộng tác viên, các cây bút trên cả nước. Tác phẩm dự thi có độ dài tối đa 1.700 chữ với thể loại phóng sự, ký sự nhân vật về người tốt, việc tốt + ảnh minh họa thực tế. Trên tác phẩm, tác giả ghi thông tin về mình, nơi công tác, địa chỉ cư trú và địa chỉ đăng ký hộ khẩu, số giấy CMND. Tác phẩm dự thi chưa đăng bất kỳ phương tiện truyền thông nào. 

- Giải thưởng: 1 Giải nhất: 40 triệu đồng và 1 máy ảnh Canon trị giá 30 triệu đồng. 2 Giải nhì: 20 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh trị Canon trị giá 20 triệu đồng. 3 Giải ba: 15 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh Canon trị giá 15 triệu đồng. 10 Giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải và 1 máy in vi tính Canon.  

- Thời gian: Nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động 3-8-2019 đến ngày 1-3-2020. Tác phẩm dự thi xin gửi tới Tòa soạn Báo SGGP số 432-434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục