Đêm qua, ngọn lửa Olympic được lấy từ đỉnh Olympia trên quê hương phong trào Thế vận hội (Hy Lạp) đã thắp sáng đài lửa London, khởi đầu 2 tuần lễ tranh tài của sự kiện thể thao vĩ đại nhất hành tinh. Thể thao Việt Nam trong tiến trình hội nhập với năm châu cũng đã bắt đầu tranh tài với bạn bè thế giới bắt đầu từ hôm nay với môn Judo lãnh ấn tiên phong. Chúng ta có quyền chờ đợi những kỳ tích như Trần Hiếu Ngân năm 2000 hay Hoàng Anh Tuấn năm 2008 sẽ tái hiện.
Trong 204 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia London 2012, có đến 80 nước chưa hề đoạt huy chương nào trong khi 18 VĐV đến London lần này của Việt Nam đều bằng vé chính thức. Có thể nói, sự đầu tư của Chính phủ cũng như lòng đam mê thể thao của người Việt đã tạo được chỗ đứng cho thể thao Việt Nam trên đấu trường vĩ đại nhất của nhân loại.
Và cũng chính vì thế, dưới góc nhìn của những chuyên gia đầu ngành, như cựu trưởng đoàn Olympic 2004 Nguyễn Hồng Minh, đã đến lúc chúng ta phải có những giấc mơ lớn ngay ở sân chơi vĩ đại.
Từ lần đầu tiên năm 1980 đến nay đã là 32 năm chúng ta hội nhập và có 2 chiếc HCB. Nghĩa là thời gian cũng đủ dài và khả năng đạt thành tích thế giới cũng đã có để đặt ra những cột mốc chắc chắn hơn để xây dựng cho mình một tư thế vững vàng hơn.
Một chiến thắng trong thể thao ngoài ý nghĩa của nỗ lực về thể chất con người còn là cách thức để tôn vinh các giá trị khác của một quốc gia. Thắng lợi trong thể thao là sự ghi nhận rõ ràng nhất về một xã hội phát triển, nền kinh tế ổn định mà ở đó, con người có thể chăm lo cho thể chất của mình một cách tốt nhất. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước luôn dành cho ngành thể thao sự quan tâm đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội nhất là với thể thao thành tích cao. Có thể nói, chưa ở đâu mà thể thao lại nhận được sự đầu tư dài hạn và rộng rãi như tại Việt Nam.
Vì lẽ đó mà có không ít băn khoăn về cách làm của ngành thể thao trong quá trình phát triển nền thể thao chuyên nghiệp. Chúng ta vẫn chưa từng đặt ra những giấc mơ lớn một cách cụ thể hơn. Tại London 2012 lần này, mục tiêu có huy chương chỉ mới là kỳ vọng chứ không rõ ràng môn nào phải đạt, môn nào cần nâng cao thành tích đến mức nào. Trong khi đó, chúng ta lại cố gắng phát triển các môn thể thao không phải là thế mạnh và ít được phổ biến theo kiểu dàn trải dẫn đến việc đầu tư cho các môn như thể dục dụng cụ, cầu lông, bắn súng, điền kinh… chỉ ngang bằng với các môn võ “ngoại nhập” như wushu, muay. Thế nên, ở Việt Nam mới có hiện tượng là môn nào trên thế giới có thì chúng ta cũng có nhưng lại chẳng biết đâu mới là môn thế mạnh của người Việt.
Nhân ngày khai mạc London 2012 nhắc lại chuyện cũ là bởi vì đến 4 năm nữa, Olympic mới trở lại và như thế chúng ta có thời gian để thực hiện giấc mơ lớn cho mình. Phải đặt ra những cột mốc phấn đấu cao hơn để tránh chuyện mỗi lần tham gia Olympic là một lần lãng phí tiền của mà không gặt hái được gì. Từ chiếc huy chương đầu tiên của Trần Hiếu Ngân ở Sydney 2000, phải đến 8 năm sau chúng ta mới có chiếc huy chương thứ 2 của Hoàng Anh Tuấn, đó là sự tương phản quá lớn so với những gì mà Đảng, Nhà nước và xã hội đã dành cho ngành thể thao.
116 năm của phong trào Olympic hiện đại, “Nhanh hơn, cao hơn và xa hơn” vẫn là tinh thần nguyên vẹn giá trị của thể thao thế giới dù con người đã gần đạt đến những giới hạn về thể chất. Nói như vậy để thấy rằng, thể thao Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực hơn nữa, dám ước mơ hơn nữa ở sân chơi vĩ đại này.
Đăng Linh