Giải “cơn khát” nguồn nhân lực cho hát bội

Năm 2017, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM thực hiện việc xét tuyển đặc cách viên chức cho 10 diễn viên, nhạc công, nhưng vì thiếu bằng cấp đào tạo nên việc xét tuyển bị đình lại đến nay. 

Với loại hình nghệ thuật đặc thù như hát bội (hiện không có trường đào tạo), việc xét tuyển viên chức yêu cầu diễn viên, nhạc công phải có bằng cấp chuyên môn, tối thiểu là bằng trung cấp diễn viên, là vấn đề nan giải. 

Thiếu hụt người làm nghề chuyên nghiệp

Đội ngũ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM hiện nay chỉ có 21 người. Trong đó, lực lượng trẻ chiếm 50%, đóng vai trò là lớp diễn viên không thể thiếu trong hoạt động chuyên môn của nhà hát, và đó cũng là 10 diễn viên, nhạc công được đưa vào danh sách xét tuyển đặc cách viên chức cách đây 2 năm nhưng chưa được duyệt. Các nghệ sĩ này được tuyển vào nhà hát và được học theo phương pháp truyền nghề từ thuở thiếu niên, như diễn viên Anh Thi vào nhà hát khi mới 14 tuổi; diễn viên Bảo Châu, Ngọc Giàu, Thu Hà đầu quân khi vừa 16 tuổi; còn nhạc công Tuấn Dũng, Kim Phong đã làm việc tại nhà hát đã hơn 20 năm… Một số diễn viên đã có hơn 15 năm công tác tại nhà hát, có người đoạt HCV tại các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. 

Giải “cơn khát” nguồn nhân lực cho hát bội ảnh 1 Nghệ sĩ trẻ nỗ lực đóng góp sức mình cho sân khấu truyền thống
Bằng tất cả tình yêu, sự say mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống, các diễn viên trẻ đã từng bước phát triển tay nghề, kiến thức, kỹ năng, đảm nhiệm các vai diễn quan trọng trên sân khấu, sẵn sàng là lớp kế thừa ổn định cho nghệ thuật hát bội. Thành quả gặt hái được từ lớp diễn viên này là nhờ vào bước đi đột phá của nhà hát cách nay gần 20 năm, với việc mạnh dạn mở lớp đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ kế thừa. 

Hiện tại, nhà hát hoạt động bình quân 140 suất diễn/năm, làm nhiệm vụ chính trị, phục vụ vùng sâu vùng xa, sân khấu học đường, hợp đồng với các đình, chùa…; tuy nhiên, chỉ 21 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công là quá thiếu. Có thể thấy, khi vào đợt diễn cấp tập, có những suất diễn trùng giờ, nhà hát buộc phải thuê, “mượn” các nghệ sĩ hát bội đã nghỉ hưu, nghệ sĩ ngoài nhà hát về biểu diễn. Chưa kể, dù đang thiếu người như thế, nhưng mỗi năm, nhà hát lại hao hụt thêm một số thế hệ nghệ sĩ tài danh, kỳ cựu vì đến tuổi hưu. 

Nghệ sĩ Bảo Châu tâm tư: “Nói thật lòng, chỉ có những ai say mê nghề mới có thể theo đuổi và gắn bó lâu dài được với hát bội. Đây là một nghề vừa khó vừa khổ, nhiều vất vả, thu nhập không cao. Nay, sau mười mấy năm làm nghề, tôi và nhiều anh em vẫn không được xét tuyển vào biên chế, điều này khiến ai cũng buồn, đã có người chán nản”.

Giải pháp nào hiệu quả?

Trên thực tế, từ Thông tư liên tịch số 10 (quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, có hiệu lực từ ngày 1-3-2016) đến Thông tư 36 (chỉ được dùng ngân sách nhà nước để đào tạo cho công chức, viên chức, không được dùng ngân sách để đào tạo cho các đối tượng khác…) đã khiến nhà hát gặp nhiều khó khăn trong việc giữ chân nhân sự, tuyển chọn đào tạo thế hệ kế thừa. Đó cũng là nghịch lý trong vấn đề đào tạo và thu hút người tài, thúc đẩy công tác gìn giữ, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. Chưa kể, năm 2018, theo quy định mới, các đơn vị nghệ thuật không được dùng ngân sách nhà nước để chi trả lương theo diện hợp đồng, vậy nên nhà hát buộc phải giữ chân người làm nghề bằng nguồn thu ít ỏi qua các hợp đồng biểu diễn (một nguồn thu bấp bênh, theo mùa).

Theo Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM Võ Hồ Hoàng Vũ: “Nhà hát đã có nhiều kiến nghị lên Sở VH-TT TPHCM. Sở cũng có những buổi làm việc với UBND TPHCM, xin ý kiến của Bộ VH-TT-DL, Bộ Nội vụ để làm sao có thể gỡ khó cho loại hình nghệ thuật truyền thống, có chế độ ưu đãi mang tính đặc thù, bỏ qua yếu tố bằng cấp, xét tuyển đặc cách viên chức cho các em trong thời gian sớm nhất. Trong định hướng lâu dài, nhà hát cũng sẽ bồi dưỡng, đào tạo thêm để các em đáp ứng đủ tiêu chuẩn yêu cầu. Thời gian tới, nhà hát cũng sẽ tính toán lại để có thể chuyển đổi hình thức trả lương cho anh chị em, có thể theo hợp đồng từng suất diễn, ngắn hạn, theo thời vụ cho phù hợp tình hình ngân sách nhà hát. Đây cũng là vấn đề khó khăn rất lớn”.

Hơn hết, vấn đề cần tháo gỡ lớn nhất của nhà hát chính là con người, ổn định được bộ máy tổ chức, để tiếp tục đẩy mạnh công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc. Khi không có nguồn nhân lực thì không thể nào giữ được nghệ thuật truyền thống. 

“Với loại hình nghệ thuật truyền thống cần phải có cách gìn giữ, bảo tồn khác biệt. Từ công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, giữ người, đào tạo, kể cả thu nhập, tiền lương… phải khác hoàn toàn với các loại hình khác, nếu không nghệ thuật truyền thống này sẽ ngày càng mai một vì sẽ ít người tham gia, làm nghề. Đến thời điểm đó, có muốn gìn giữ, bảo tồn cũng không thể làm được. Từ bây giờ, rất cần có kế hoạch đào tạo cấp tốc một thế hệ diễn viên trẻ cho Nhà hát Nghệ thuật hát bội để có thể kế thừa, tiếp nối”, ông Võ Hồ Hoàng Vũ trăn trở.

Tin cùng chuyên mục