Thể thao TPHCM vốn giữ một vị trí quan trọng trong nền thể thao nước nhà. Thế nhưng, đó là chuyện của cách đây 10 năm, ở cái thời thường được gọi nôm na là “thể thao bao cấp”. Còn bây giờ, gần như TPHCM không giữ nổi vị trí của mình. Các môn thế mạnh, là độc tôn, còn sa sút một cách đáng báo động hơn. Đó là một nghịch lý. Lẽ ra, ở xu hướng xã hội hóa như hiện nay, các môn thể thao thành tích cao còn phải phát triển hơn nữa nhưng thay vào đó lại là sự tuột dốc không phanh.
Chỉ có một đáp án giải đáp vấn đề này: Ngày trước, người làm nghề say mê với nghề, làm không vì tiền nên có bao nhiêu tâm huyết dốc ra bấy nhiêu. Ngày nay, do xã hội hóa nên họ trở nên an phận, làm vì chỗ ngồi ổn định trong cơ quan nhà nước, nên cố gắng duy trì thành tích, bám lấy những mục tiêu ngắn hạn thay vì tính đường dài.
Sự xuất hiện của các liên đoàn thể thao là nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, các liên đoàn đang chịu sự can thiệp khá sâu của những người quản lý nhà nước về thể thao nên phát sinh mâu thuẫn.
Một đằng định hướng, tính toán chiến lược dài hơi. Một đằng chỉ chăm chăm làm sao để có thành tích mà “giữ ghế”. Thế là các nhân vật ngoài xã hội khi tham gia liên đoàn thay vì phải tính toán chuyện phát triển lại lâm vào cuộc đấu không cân sức với sự trì trệ, bảo thủ, an phận với các thành viên đến từ cơ quan quản lý. “Đấu” kiểu như vậy, ai nản lòng trước chắc đã biết.
Trong sự bất lực đó, các vị trí chủ chốt ở các liên đoàn thay nhau từ chức dù họ đều là những người có địa vị trong xã hội, giỏi về quản lý, mạnh về quan hệ. Bên cạnh đó, những cuộc ra đi ồ ạt của các tài năng thể thao chỉ vì không chịu nổi cách quản lý của các trưởng bộ môn thể thao. Những phản ứng tức thời như vậy rốt cuộc cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Để giải cứu nền thể thao TPHCM, điều tiên quyết phải rạch ròi trách nhiệm. Đơn vị quản lý nhà nước cần chú trọng mảng phong trào, chăm lo công tác đào tạo và thúc đẩy sự quyết tâm theo đuổi nghề của các lứa, tuyến năng khiếu. Liên đoàn lo định hướng chiến lược, vận động nguồn tài chính, tìm đầu ra khi VĐV quá tuổi thi đấu. Có như vậy, các nhà chuyên môn mới toàn tâm tìm kiếm thành tích, đem vinh quang về cho TP.
Thực tế hiện nay thể thao TPHCM đang cố gắng duy trì một cách bất lực những hào quang trong quá khứ thay vì xây dựng tương lai. Từ bộ môn cho đến liên đoàn thay nhau giành quyền can thiệp vào chuyện chuyên môn của các đội bóng hay của từng VĐV, quên công việc chính của mình, cũng chỉ vì cố duy trì thành tích.
Trong thể thao, thành tích là chuyện đương nhiên phải đạt đến nhưng không phải là mục đích duy nhất. Cứ chạy theo căn bệnh thành tích để giữ ghế, giữ danh, hậu quả cả nền thể thao cực mạnh như TPHCM sẽ mất sạch những gì đang cố giữ.
V. TÂM