Giải cứu niềm tin

Cúm gia cầm vẫn còn lan rộng, những địa phương chưa từng bị “lây” 10 năm qua, nay cũng phải tất bật dập dịch như Phú Yên, Bình Định.

Cúm gia cầm vẫn còn lan rộng, những địa phương chưa từng bị “lây” 10 năm qua, nay cũng phải tất bật dập dịch như Phú Yên, Bình Định.

Theo ông Mai Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Thú y, không chỉ H5N1, H7N9 mà có khả năng phải phòng chống nhiều H và nhiều N khác nữa. Cũng theo ông Hiệp, không loại trừ cúm gia cầm sẽ “phủ kín” các tỉnh phía Nam kể cả 4 tỉnh thành chưa có dịch cúm là An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và TPHCM nếu không kịp thời ngăn ngừa.

Việc cúm gia cầm lan rộng sau 10 năm phòng chống lại xuất phát từ yếu tố chủ quan của con người, không ít tỉnh thành lơ là việc phòng chống, đến thời điểm này vẫn còn địa phương chưa tiêm phòng cúm gia cầm đợt 2 năm 2013. Trong lúc đó, vẫn còn tình trạng địa phương giấu dịch, không báo Cục Thú y hay địa phương bạn để cùng ứng phó. Sự thiếu liên kết, phối hợp yếu gây ra tình trạng nghi kỵ lẫn nhau. Vì vậy, việc TPHCM chủ động mời 7 tỉnh xung quanh gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, và Tiền Giang cùng phối hợp chặt hơn trong việc phòng chống dịch bệnh động vật nói chung, nhất là cúm gia cầm có ý nghĩa tích cực. Bởi đây là khu vực chăn nuôi gia cầm tập trung nhất cả nước và cũng là thị trường sôi động nhất nên nguy cơ xuất hiện cúm gia cầm cũng cao nhất. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi thông tin cúm gia cầm lan rộng và đầy rẫy trên các phương tiện thông tin vô tình gây tác dụng ngược, tạo tâm lý ngại ăn thịt gia cầm của một bộ phận người tiêu dùng.

Do vậy, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho rằng, vấn đề là tạo niềm tin cho người tiêu dùng, qua đó, giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, hạn chế thiệt hại. Muốn vậy, việc hình thành các chuỗi thực phẩm an toàn phải gắn với việc kiểm dịch, vận chuyển theo quy định, giết mổ tập trung và đóng gói với thương hiệu rõ ràng. Nếu quản lý chặt các khâu, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng, qua đó giảm mật độ đàn gia cầm, không để thương lái ép giá, chưa kể tình trạng “té nước theo mưa” làm cho việc giảm giá thêm trầm trọng hơn. Nếu không giải quyết tốt sẽ có hậu quả xấu cho người nuôi. Điều quan trọng là phải minh bạch thông tin để giúp người tiêu dùng biết. Bên cạnh đó, không chỉ giám sát gia cầm sống mà cũng tăng tần suất kiểm tra thịt gia cầm giết mổ từ các tỉnh đưa về TP để đảm bảo đầu ra sản phẩm đến người tiêu dùng cũng như kịp thời thông tin với các tỉnh để có sự phối hợp chặt chẽ. Do vậy, việc phối hợp giữa các địa phương một cách có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành các dòng sản phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng, qua đó cũng giúp giải tỏa áp lực gia cầm đến giai đoạn cần giết mổ nhưng chưa thể xuất chuồng.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục