Đại án tham nhũng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) với số tiền thất thoát trên 9.000 tỷ đồng đang được xét xử, làm khuấy động dư luận vì tính chất nghiêm trọng, khiến nhiều người giật mình thảng thốt. Sự tùy tiện của những nhân vật chủ chốt quản lý nhà băng này như Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Nguyễn Xuân Sơn... làm người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, sử dụng đồng vốn gửi tiết kiệm của dân như tiền túi riêng của mình, cuối cùng là sự đổ vỡ tất yếu.
Năm 2009-2010 bà Phấn đại diện nhóm cổ đông Công ty Phú Mỹ do mình thành lập, đã chi 2.000 tỷ đồng thâu tóm 84,92% vốn cổ phần của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), giữ vai trò cố vấn cao cấp HĐQT của ngân hàng này. Thủ đoạn móc ruột ngân hàng diễn ra từ đây. Lợi dụng ảnh hưởng của mình, bà Phấn mua bất động sản giá thấp rồi bán lại cho TrustBank với giá thật cao, lấy tiền ngân hàng đầu tư vào các công ty con. Theo Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng số tiền TrustBank mua bất động sản lên đến 3.600 tỷ đồng; vi phạm vượt mức cho phép 2.100 tỷ đồng và các khoản nợ liên quan đến bà Phấn tới 4.500 tỷ đồng.
Sau khi “rút ruột” ngân hàng, bà Phấn tìm cách đào thoát bằng việc chuyển giao TrustBank cho Hà Văn Thắm, khi đó là Chủ tịch HĐQT OceanBank, bằng việc ký hợp đồng bán lại 84,92% cổ phần với điều kiện ông Thắm phải thừa kế toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay và cam kết tiếp tục cho vay các dự án nhóm bà Phấn. Tuy nhiên sau khi vào điều hành TrustBank, ông Thắm nhận ra tình hình nghiêm trọng tại nhà băng này, bèn đẩy lại cho Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Do số tài sản được định giá khống, riêng thương vụ này đã gây thiệt hại cho OceanBank lên đến 540 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của vụ án đang xét xử, số tiền thất thoát vì tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng là rất lớn: Hà Văn Thắm đã chi lãi ngoài trái quy định - thực tế là tiền “lại quả” các doanh nghiệp lớn gửi tiền, lên đến 1.576 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, khai đưa tiền chi ngoài cho đại diện VietsovPetro hàng chục lần, mỗi lần hàng chục ngàn USD hoặc 200-300 triệu đồng; đã góp 800 tỷ đồng PetroVietnam mua 20% cổ phần của OceanBank trái quy định, làm mất hết vốn; tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng. Riêng đại án tại Ngân hàng VNCB, Phạm Công Danh bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới rút tiền trái phép, đầu tư tùy tiện vào các công ty con, gây thất thoát 9.000 tỷ đồng; số tiền phải thi hành án gần 12.000 tỷ đồng!
Để những cá nhân trên lũng đoạn ngân hàng, tư túi, không hướng nguồn vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế có trách nhiệm của NHNN. Mới đây, phản hồi về kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, NHNN đã nhìn nhận: Thời gian qua hoạt động thanh tra, giám sát ngành ngân hàng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập; khả năng phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong hoạt động thanh tra, giám sát còn hạn chế; chất lượng, số lượng, năng lực thực thi công vụ kém hiệu quả, chưa theo kịp tốc độ phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng diễn biến phức tạp thời gian qua.
Ngân hàng thương mại là loại hình kinh doanh đặc biệt, có vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Để khắc phục những tồn tại, yếu kém, NHNN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và đang triển khai việc này. Điểm nổi rõ nhất là mới đây VAMC đã thu giữ tài sản đảm bảo dự án đầu tư cao ốc phức hợp Saigon One Tower, một dự án lớn bất động rất nhiều năm nay ngay tại trung tâm TPHCM, đang có khoản nợ cả gốc và lãi lên đến 7.000 tỷ đồng. Có thể nói nghị quyết về xử lý nợ xấu Quốc hội vừa ban hành đã góp phần dỡ bỏ các trở ngại pháp lý trước đây, giúp tăng khả năng thu hồi tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu, tạo luồng vốn mới lưu thông phục vụ nền kinh tế. Giờ đây, nghĩa vụ trả nợ, quyền thu giữ tài sản thế chấp trở nên rõ ràng, là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các con nợ chây ì, cố tình không trả nợ vay.
VAMC cho biết đang khẩn trương thành lập Hội đồng xử lý các tài sản đã thu giữ, để đưa ra phương án giải quyết nợ theo 2 hướng: bán tài sản và bán khoản nợ. Trong tháng 9 này, dự kiến định giá xong Saigon One Tower, sau đó sẽ tổ chức đấu giá công khai. Với các khoản nợ khác, dự kiến đến cuối năm VAMC sẽ xử lý được khoảng 22.000 - 25.000 tỷ đồng, qua đó giúp các tổ chức tín dụng giải tỏa “cục máu đông”; tăng tín dụng bơm vào nền kinh tế; hỗ trợ tích cực mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra trong năm nay.
Để tránh các đại án tham nhũng xảy ra gây bức xúc dư luận như vừa qua, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng cũng đang được NHNN lấy ý kiến để hoàn chỉnh trình Quốc hội. Mục tiêu của Dự thảo so với luật hiện hành là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý các tồn tại đang vấp phải như sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông lớn lạm dụng, thao túng ngân hàng... Dự thảo bổ sung nhiều quy định mới như kiểm soát tỷ lệ sở hữu, mua bán, chuyển nhượng cổ phần, minh bạch nguồn vốn góp cổ đông, triệt tiêu tình trạng góp vốn ảo và cho vay sân sau...
Một điểm rất mới của Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng là đề cập tới việc cho phá sản ngân hàng yếu kém, thay vì hỗ trợ sống lất lây, hoặc mua lại với giá 0 đồng phải xử lý hậu quả rất nhiêu khê. Theo đó, Chính phủ quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của NHNN. Đương nhiên, việc cho phá sản một ngân hàng cần có lộ trình, bước đi phù hợp. Nhưng những ngân hàng kém cỏi trong kinh doanh, mất hết vốn chủ sở hữu, không có khả năng vực dậy, cũng không xứng đáng để tồn tại. Đó cũng là thái độ mạnh mẽ nhằm giải tỏa những điểm nghẽn trong nền kinh tế, tạo môi trường minh bạch hỗ trợ các ngân hàng mạnh, hoạt động tích cực với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế một cách năng động, hiệu quả.