Giai điệu tự hào tháng 7- Như những huyền thoại

Giai điệu tự hào tháng 7 sẽ là một cuộc hành trình bằng âm nhạc tri ân những “huyền thoại” trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. 

Trong hai cuộc kháng chiến giành và bảo vệ nền hòa bình cho đất nước, hàng triệu người Việt Nam đã đã ngã xuống, mãi mãi để lại tuổi thanh xuân của mình ở chiến trường. Nhưng họ không bao giờ chết mà đã trở thành những tượng đài bất tử, những huyền thoại trong lòng những người đang sống....

Giai điệu tự hào tháng 7- Như những huyền thoại ảnh 1 Giai điệu tự hào tháng 7 là một cuộc hành trình bằng âm nhạc tri ân những “huyền thoại” trong lịch sử
Giai điệu tự hào tháng 7 sẽ là một cuộc hành trình bằng âm nhạc tri ân những “huyền thoại” trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Ở đó, khán giả sẽ cùng chia sẻ những giai điệu đẹp, mạnh mẽ, da diết của “Những vết chân tròn trên cát”- Trần Tiến; “Bế Văn Đàn sống mãi”- Huy Du; “Biết ơn chị Võ Thị Sáu - Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”- Nguyễn Đức Toàn; “Cỏ non Thành Cổ”- Tân Huyền; “Miền xa thẳm”- Đức Trịnh và “Chuyện tình thảo nguyên”- Trần Tiến.

Nhạc sĩ Trần Tiến, tác giả “Vết chân tròn trên cát” chia sẻ, hình ảnh người cựu chiến binh – thầy giáo dạy nhạc với chiếc nạng gỗ in hình trên cát mỗi lần đi đến trường dạy nhạc cho các em thơ – đã ám ảnh ông một cách kỳ lạ để rồi bài hát “Vết chân tròn trên cát” ra đời.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng đây là một bài hát hay vô cùng vì có một hình tượng cực kỳ đẹp và lãng mạn xuyên suốt bài hát, đó là dấu chân tròn trên cát, vượt trên hiện thực của người thương binh. Trở về sau cuộc chiến, anh không bao giờ nghĩ đến việc mình bị thương, hay mình cần được đền bù thế nào, mà chỉ nghĩ đến việc truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo.

Giai điệu tự hào tháng 7- Như những huyền thoại ảnh 2
“Bế Văn Đàn sống mãi” được nhạc sĩ Huy Du sáng tác bài sau ngày anh Bế Văn Đàn hy sinh 10 năm. Và những giai điệu của bài hát này đã góp phần khiến hình ảnh của liệt sĩ Bế Văn Đàn trở thành bất tử, thành một tấm gương chiến đấu anh dũng đến hơi thở cuối cùng của những người lính.
Trong Giai điệu tự hào tháng 7, khán giả sẽ được gặp gỡ với cựu chiến binh Trương Xuân Bái ở xóm Thanh Tiến (xã Thạch Môn, Hà Tĩnh), người đồng đội trực tiếp chôn cất anh hùng Bế Văn Đàn. Ông chính là người sát cánh chiến đấu duy nhất còn sống của anh hùng - LS Bế Văn Đàn  trong trận Mường Bồn, Điện Biên.

Với ca khúc ngợi ca chị Võ Thị Sáu, tại thời điểm sáng tác, tuy chưa một lần được đặt chân tới miền Nam, chưa từng tới Côn Đảo nhưng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã viết nên “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” một cách đầy học thuật với sự tinh túy rất hàn lâm nhưng không kém phần tinh tế về mặt cảm xúc. Người nghe có cảm giác như là nhạc sỹ sờ được vào mảnh đất ấy, và hòa cùng vào hơi thở của Côn Đảo. Còn “Cỏ non thành cổ”- có tứ thơ cực kỳ đẹp, được thể hiện bởi hình tượng xanh tươi, cỏ non cho nên bài hát rất xứng đáng với một bản phối mới, tươi trẻ và mang phong cách thời đại - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cảm nhận…

Giai điệu tự hào tháng 7 chủ đề “Như những huyền thoại” phát sóng tối 29-7 trên VTV1. Chương trình là một lời tri ân bằng âm nhạc gửi tới những người đã cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu cho đất nước độc lập, bình yên.

Tin cùng chuyên mục