Một người bạn - không biết nói thật hay nói vui - đã khẳng định với người viết rằng, cái gì cũng có chu kỳ, cái gì cũng có lúc trồi lúc sụt theo thời gian, tất tần tật đều theo chu kỳ, kể cả mấy vụ trộm cắp, giựt dọc… Như để chứng minh, “nhà tiên tri” này cho biết số vụ phạm pháp hình sự giảm rõ nhất là vào tháng 3 mà chỉ xảy ra một lần trong 2 năm. Tôi cứ suy nghĩ mông lung không biết hắn lấy đâu ra con số thống kê vì lẽ ra theo “chu kỳ” tháng 3 là tháng khô hạn, tháng xâm nhập mặn, tháng cơ cực nhất thì nguyên tắc là tội phạm phải tăng lên chứ đằng này… Thấy tôi lắc đầu chịu thua, hắn mới tủm tỉm: Nó giảm bởi là lúc diễn ra Hội sách TPHCM. Cũng đành cười trừ vì người bạn đó làm trong ngành xuất bản nên dĩ nhiên phải tôn thờ ngành nghề của mình. Nhưng trong thâm tâm, tôi thấy cũng có lý khi chứng kiến dòng người đông nghẹt, khệ nệ ôm đủ loại sách từ sách mới xuất bản đến sách cũ bán đổ đồng 5-10 ngàn đồng/cuốn… chỉ có sách và không ngoài chuyện sách. Và thực sự đó là một ngày hội của cả thành phố, một nét đẹp văn hóa chỉ có riêng ở TPHCM.
Kể chuyện nhỏ trên để thấy một chuyện lớn hơn là còn sách, còn người đọc sách, còn người mua sách thì còn sự tồn vong của dân tộc.
Lâu nay chúng ta cứ so đo các lĩnh vực cần phải ưu tiên phát triển: thứ nhất là kinh tế, thứ hai là kinh tế và thứ ba cũng vẫn là kinh tế. Âu điều đó cũng đúng vì có thực mới vực được đạo, có thực mới vực được đạo sách, mới vực được văn hóa nói chung. Nhưng có đúng, có trúng vẫn chưa đủ trong thời kinh tế tri thức. Một số bộ óc siêu việt nhất cho rằng, vấn đề kinh tế dễ giải quyết hơn vì một khi nước ta đã hội nhập vào quốc tế thì sớm hay muộn chúng ta cũng phải chấp nhận các luật chơi chung, phải thay đổi để thích ứng với các điều kiện của sân chơi quốc tế. Họ cũng nêu luận điểm phát triển kinh tế tuy có khó nhưng không thể không làm được. Và cái khó hơn nhiều là xây dựng một nền văn hóa dân tộc có căn cơ, có chiều sâu. Rõ ràng, cái mà chúng ta bức xúc nhất là nền tảng giáo dục để xây ngôi nhà văn hóa vững chắc thì hiện tại đang sụt lún nghiêm trọng. Sự xuống cấp đó có nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn có nguyên nhân chúng ta không xây dựng được một nền văn hóa đọc, chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách, hướng dẫn các em lựa sách, cách đọc sách. Chúng ta cũng thường đổ lỗi cho sự phát triển quá mức của công nghệ khi văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc. Nhưng thực ra, cả hai đều có ưu điểm riêng, không những không loại trừ nhau mà còn bổ sung cho nhau, như chúng ta nói cùng dắt tay nhau đi lên. Và suy cho cùng, hình ảnh thì thoáng qua còn từ ngữ mới đọng lại lâu bền.
Sự tương hỗ này cũng thể hiện rõ nét trong ngành xuất bản khi ai cũng kêu, cũng dự báo sự diệt vong của sách in trước đối thủ chính là sách điện tử, song thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Năm 1993, khi cuốn sách điện tử đầu tiên xuất hiện, mọi người đã cười mỉm chế nhạo, thậm chí còn vẽ biếm họa về sự nhảm nhí của cách đọc mới. Thế nhưng 20 năm sau, với sự trợ giúp của các phần mềm và thiết bị như Palm Pilot, Microsoft Reader, Sony Reader… và nhất là khi hãng Amazon tung ra thiết bị đọc Kindle, cũng như sau đó là các loại iPad thì tình thế đã đảo chiều với thị phần sách điện tử vọt lên chiếm tới 20% thị phần sách. Đúng là cười người hôm trước hôm sau người cười. Song cái gì cũng có thời của nó: mấy năm trở lại đây, lượng người đọc sách điện tử không những đã chững lại mà còn có xu hướng giảm sâu. Như trong một bộ phim của Hollywood, khi thế giới đến ngày tận thế thì cái còn lại duy nhất, cái cứu rỗi loài người lại là một cuốn sách in đã cũ - cuốn Kinh Thánh in từ thế kỷ 19. Có lẽ con người vẫn nhớ, vẫn hằn sâu kỷ niệm về mùi mực in, tiếng sột soạt lần giở từng trang sách cũ... như một thứ tình yêu đích thực mãi trường tồn cùng thời gian. Tất nhiên, khác với các nước phát triển, chúng ta còn xa lắc mới nghĩ đến ngày đọc sách và giao tiếp qua màn hình. Và thực tế ở nước ta, sách điện tử chiếm chưa tới 3% thị phần sách đọc. Nhưng cái gì cũng phải lo xa và với phân khúc sách in đã được in ấn, đầu tư bài bản, vừa bắt mắt, vừa gọn nhẹ nhờ loại giấy nhập chất lượng cao nhất, cũng như việc thiết kế trình bày ở tầm quốc tế như hiện tại, chúng ta vẫn có quyền hy vọng một tương lai sáng sủa cho ngành xuất bản.
Nhưng để thoát nghèo về sách, với bình quân mỗi người đọc chưa tới 1 cuốn sách trong năm, chúng ta còn nhiều việc phải làm từ phát triển mạng lưới thư viện công cộng, đầu tư thỏa đáng cho tác giả… đến giảm giá sách để người nghèo cũng có điều kiện tiếp cận. Nhưng để sách đến với mọi nhà, phải có nhiều cách quảng bá mới để tăng lượng phát hành như mới nhất là sử dụng mạng facebook để giới thiệu nội dung và mời gọi đặt tiền mua sách mới. Hay như cách tiến hành chiến dịch mạng - mà một số nước phát triển đang làm - là mời bạn đọc lựa chọn 10 cuốn sách đáng đọc nhất “những cuốn sách thay đổi cuộc đời bạn” để chia sẻ trước tiên với bạn bè trên “phây”. Đây là một trò chơi. Vâng một trò chơi không hơn không kém. Nhưng là trò chơi trí tuệ để cuộc sống không thể thiếu sách. Và Hội sách TPHCM về một nghĩa nào đó cũng hết sức trí tuệ, giống như một cơn mưa giải hạn cho mảnh đất văn hóa đọc vốn dĩ đã khô cằn, thiếu sức sống.
BÍCH AN