Cuộc đời cũng có nhiều chuyện, có chuyện lớn, có chuyện nhỏ. Lớn nhiều khi hóa nhỏ và nhỏ có lúc lại hóa lớn tùy cách thức chúng ta tiếp cận vấn đề. Và thật sự, người dễ sống nhất trên đời là người thi thoảng chép miệng thôi thì cứ vui sống, đừng có bé xé ra to vì tất cả đều “nhỏ như con thỏ”. Nhưng cuộc đời đâu phải bằng phẳng như vậy với đa phần đều tự dằn vặt muốn đi tìm một đáp án cầu toàn nhất.
Chuyện lớn là chuyện quốc gia đại sự tỷ như tái cơ cấu nền kinh tế, triển khai các giải pháp trung và dài hạn nhằm ngăn chặn đà sụt giảm chung của nền kinh tế, rồi chuyện chống nạn tham nhũng quá nhức nhối trong xã hội… và lớn nhất vẫn là chuyện làm sao tồn tại trong bối cảnh cái gì cũng tăng giá: xăng tăng, điện tăng, nước tăng, viện phí tăng, học phí tăng… với cái giảm duy nhất là thu nhập giảm. Đó là chuyện lớn không thể giải quyết một sớm một chiều. Song, có những chuyện tưởng nhỏ nhưng chúng ta lại hô biến thành chuyện lớn như chuyện chọn quốc phục mới được triển khai thời gian qua.
Thật sự thì chuyện nhỏ này bắt đầu từ cách đây… 20 năm với không dưới 10 lần vấn đề xây dựng đề án quốc phục Việt Nam được các cấp, các ngành xới lên, yêu cầu thực hiện. Nhưng sau rất nhiều cuộc thi thiết kế mẫu, hầu như tất cả các kết quả đều chỉ được xếp vào kho lưu trữ của Cục Mỹ thuật. Nguyên nhân là do chưa có thiết kế nào đáp ứng được tiêu chí vừa thời trang, vừa kế thừa truyền thống, lại vừa hợp lý trong mục đích sử dụng.
Đáng nói là đồng tiền bỏ ra khá nhiều trong các khâu tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, thi thố mẫu mã… và kết cục là vẫn giẫm chân tại chỗ, không biết là sau 20 năm nữa liệu chúng ta có chọn ra được mẫu trang phục mà nói như Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên sẽ “khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc và vị thế độc lập nền văn hiến quốc gia”? Và chuyện nhỏ hóa lớn cũng bởi có quá nhiều quan điểm trái chiều khi nâng lên, đặt xuống. Người thì cho rằng dùng từ “quốc phục” là không chuẩn bởi “quốc phục” là chỉ quần áo và trang phục truyền thống của một quốc gia, một địa phương, một dân tộc trong thời kỳ lịch sử nào đó của một nhóm người. Nhưng chúng ta có tới 54 dân tộc thì e rằng bắt tất cả mặc theo bộ “đồng phục” sẽ là “bất khả thi và khiên cưỡng”.
Về tiêu chí để lựa chọn trang phục cũng “năm người, mười ý”, người thì ủng hộ chuyện chọn áo the khăn xếp cho nam giới và áo dài cho nữ giới để làm quốc phục. Áo dài cho phái đẹp có lẽ là trang phục ít gây tranh cãi nhất.
Song cũng có chuyện “lăn tăn” như một chuyên gia dân tộc học có tiếng khăng khăng từ chối chiếc áo dài vì nó là áo tân thời “không phải của người Việt Nam, không phải xuất phát từ cuộc sống bình dân của người Việt Nam”. Theo ông, áo của người Việt xưa có hai vạt buộc và để thõng xuống. Áo có nhiều nếp, nhiều màu, bay bay theo gió, hòa sắc vào nhau.
Còn chuyện chọn trang phục nam mới thật sự quá rối: Chọn gì, theo lối phương Tây với comple đen, thắt cà vạt hay phương Đông với áo dài, khăn xếp và… guốc mộc đi lại lách cách? Quả thật, giống như trong bóng đá, ai cũng là huấn luyện viên, ai cũng đúng khi lựa chọn đội hình, chiến thuật, trong chuyện nhỏ này sẽ rất khó có một đáp án được tất cả tán đồng.
Nhìn lại khoảng thời gian cách đây 2 năm, khi chúng ta nô nức bầu chọn “quốc hoa” với phần thắng tuy nghiêng hẳn về hoa sen, song cũng vẫn nổ ra tranh cãi, đến nỗi chẳng ai hiểu hoa gì mới là chủ đạo trong đời sống văn hóa dân tộc. Sen đã được chọn là quốc hoa của Ấn Độ và Ai Cập nhưng ở nước ta, thật ra nó cũng chỉ là loài hoa hoang dã hay dùng trong việc… cúng lễ và gắn nhiều với câu ca “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”. Bởi vậy việc bình chọn có gì đó khiên cưỡng, không có mấy ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của loại hoa gắn với sự thanh khiết “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Và hiện tại, sau quốc hoa mà kết cục chưa ngã ngũ, đến lượt của quốc tửu, quốc bánh… và mới nhất là quốc phục. Người ta hay nói “cái áo không làm nên thầy tu”, có áo cũng tốt, song không có thì cũng không sao. Đương nhiên dân tộc nào cũng cần có bản sắc, song bản sắc dân tộc không phải là những biểu tượng mang tính hình thức, phô trương, áp đặt. Nó là mạch chảy ngầm trong hàng ngàn năm lịch sử dân tộc tạo nên những giá trị văn hóa tinh túy nhất.
Tất nhiên chọn ra quốc phục “chuẩn” là bài toán khó nhưng không thể không giải mã trong thời gian sớm nhất. Hy vọng với sự đồng thuận, chúng ta sẽ sớm khoác cho mình một bộ cánh mới mang tên quốc gia để quảng bá bản sắc, hình ảnh đất nước.
BÍCH AN