Giải ngân ODA trung hạn đội trần gần 37.000 tỷ đồng

Kết quả kiểm toán ngân sách cho thấy trần giải ngân ODA trung hạn đã bị đội lên gần 37.000 tỷ đồng so với hạn mức đã giao. Những tồn tại trong giao vốn đầu tư cũng đã được cơ quan Kiểm toán Nhà nước nêu đích danh.

Kiểm toán Nhà nước cho biết: Báo cáo số 46/BC-BKHĐT ngày 25-1-2018 của Bộ KH-ĐT nêu rõ: nhu cầu vốn ngoài nước cần bổ sung thêm là 109.630 tỷ đồng, trong đó khoản phát sinh nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 72.680 tỷ đồng.

Tính ra, các khoản giải ngân đã cao hơn dự toán trung hạn 36.950 tỷ đồng, dẫn đến vi phạm hạn mức vốn 300.000 tỷ đồng (bao gồm cả 10% dự phòng) đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2016-2020.

Khả năng giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngoài nước đã được giao kế hoạch trung hạn (không bao gồm khoản bổ sung để quyết toán cho các dự án sử dụng vốn ngoài nước từ năm 2016 trở về trước) có thể đạt 306.950 tỷ đồng, vượt 36.950 tỷ đồng so với hạn mức đã giao 270.000 tỷ đồng (đã trừ 10% dự phòng), vượt 6.950 tỷ đồng so với hạn mức vốn trung hạn Quốc hội đã thông qua tới 300.000 tỷ đồng.

Giải ngân ODA trung hạn đội trần gần 37.000 tỷ đồng ảnh 1 Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CAO THĂNG
Bên cạnh đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn giao 22.010 tỷ đồng cho 4 dự án của VEC (gồm dự án đầu tư - xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; dự án đầu tư cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; dự án đầu tư cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1); dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành) cũng là chưa tuân thủ nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 quy định “Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước”, “Không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước...” và Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, theo đó: “Không chuyển vốn vay, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước”.

Điều này cũng vi phạm Văn bản số 88/UBTVQH14-TCNS của UBTVQH về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Kiểm toán Nhà nước nhắc nhở.

Một số tồn tại trong giao vốn đầu tư – thuộc trách nhiệm của Bộ KH-ĐT cũng được cơ quan kiểm toán nêu cụ thể.

Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Bộ KH-ĐT đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 nguồn ngân sách Nhà nước 3 lần (năm 2015 là 11 lần) sau ngày 20-12-2015 không đúng Luật Đầu tư công; giao kế hoạch vốn cho 967 dự án khởi công mới, bằng 17,44% tổng số dự án được giao (5.545 dự án), trong khi còn 37 dự án hoàn thành, bàn giao trước ngày 31-12-2015 và 6 dự án dự kiến hoàn thành năm 2016 không được giao đủ vốn, chưa tuân thủ nguyên tắc phân bổ vốn tại chỉ thị của Thủ tướng.

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT còn giao kế hoạch vốn năm 2016 cho 4 dự án đường cao tốc của VEC 3.866 tỷ đồng (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 1.955 tỷ đồng; cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây 510 tỷ đồng; cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1) 145 tỷ đồng; cao tốc Bến Lức - Long Thành 1.256 tỷ đồng) để chuyển đổi vốn vay ODA từ hình thức nhà nước cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp khi chưa có nghị quyết chấp thuận của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế


Báo cáo số 197/2018/BC-KTNN của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nêu, qua kiểm toán đã phát hiện nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, trong đó giao biên chế công chức vượt hạn mức Bộ Nội vụ giao gần 5.100 biên chế.
Theo ông Hồ Đức Phớc, năm 2017, KTNN đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương. Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, như: Giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế (10 địa phương giao vượt 5.069 biên chế; 1 Bộ vượt 18 biên chế); 5 địa phương giao 905 chỉ tiêu biên chế viên chức cho các cơ quan hành chính không đúng quy định tại Điều 2, Luật Viên chức, 2 địa phương giao chỉ tiêu hợp đồng khác chưa đúng quy định của Luật Viên chức 8.841 người; sử dụng lao động (công chức, viên chức, hợp đồng lao động) thực tế có mặt trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người (tại các cơ quan hành chính của 37 địa phương và 1 Bộ vượt Bộ Nội vụ giao 15.156 người, tại các đơn vị sự nghiệp công lập của 23 địa phương vượt HĐND giao 29.511 người, 16 địa phương có số biên chế viên chức vượt định mức quy định 18.612 người). Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao, làm tăng chi NSNN 859 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 11 địa phương sử dụng 1.259 biên chế viên chức của các đơn vị sự nghiệp công làm công việc quản lý Nhà nước; 32 địa phương sử dụng 9.299 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các cơ quan tổ chức hành chính; còn có địa phương bố trí 32 công chức (không phải là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công) làm nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị sự nghiệp công lập; sử dụng lao động làm công tác chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp chưa qua thi tuyển, xét tuyển nhiều năm; ký hợp đồng lao động tùy tiện, không đúng quy định (Giám đốc sở ký; Chủ tịch huyện ký; Trưởng phòng ký; Hiệu trưởng ký;…); 12 địa phương và 1 Bộ có số lượng cấp phó vượt quy định của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ; quy định chức danh hàm không có trong quy định của Nhà nước.
Ngoài ra việc thực hiện triển khai công tác tinh giản biên chế còn chậm, năm 2016 chỉ có 9/47 địa phương thực hiện tinh giản biên chế nhưng chưa đảm bảo mức tinh giản tối thiểu 10% so với biên chế giao 2015 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Tin cùng chuyên mục