Trong vòng 3-4 năm trở lại đây, câu chuyện xung quanh các sân golf chưa bao giờ hết “nóng”. Đa số ý kiến phản đối gay gắt tình trạng tỉnh thành nào cũng đề xuất xây dựng sân golf dẫn đến nguy cơ thừa; rồi sân golf “ăn” đất lúa, “ăn” môi trường (do sử dụng quá nhiều nước và thuốc trừ sâu); chủ sân golf nhập nhèm giữa làm thể thao, phát triển du lịch với kinh doanh bất động sản...
Cuối tuần qua, tại một cuộc tọa đàm về quy hoạch sân golf do Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức, người ta nghe thấy những tiếng nói điềm tĩnh hơn từ một góc nhìn khác.
Diễn tiến của câu chuyện dài kỳ về sân golf có thể tóm lược như sau: trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1946/2009/QĐ-TTg, tổng hợp các dự án đã đăng ký, cả nước có tới 166 sân golf. Thực hiện Quyết định số 1946, đã có 76 sân golf bị loại bỏ, thu hồi 15.600ha đất. 90 sân golf có trong quy hoạch; sau đó 3 sân tiếp tục bị rút khỏi quy hoạch, còn 87 sân. Các sân golf qua được đợt sát hạch này đã được bố trí phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, không có đất lúa 2 vụ, nhưng có một tỷ lệ nhỏ đất lúa một vụ.
Sau đó, do các địa phương “đòi” đưa thêm 42 sân golf vào hệ thống quy hoạch sân golf quốc gia đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “nâng lên đặt xuống” và đề xuất đưa thêm hơn 20 sân golf vào quy hoạch. Đề xuất này (được tuyên bố là “cứng”, không có thay đổi) rút cuộc không được phê duyệt. Thay vào đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/2012/CT-TTg (ngày 18-4-2012) về quản lý quy hoạch sân golf. Theo chỉ thị, trừ các dự án đã xây dựng, những dự án sân golf còn lại phải hoàn toàn loại bỏ đất lúa ra khỏi diện tích xây dựng (kể cả lúa một vụ). Nhiều dự án trong quy hoạch (cả đã có từ trước và được đề xuất bổ sung) đã vướng vào điều cấm này.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, cần coi golf như một môn thể thao đích thực để tạo nên môi trường đầu tư tốt tại Việt Nam. Việc không cho phép sân golf “ăn” đất lúa là rất đúng, nhưng không vì thế mà “ác cảm” với tất cả các dự án sân golf. Nhắc lại nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, ông Nguyễn Mại cho rằng, vấn đề chính có được một chính sách thuế phù hợp, tách bạch phân minh giữa đầu tư kinh doanh sân golf với đầu tư bất động sản và các hợp phần khác trong cả một dự án du lịch lớn...
Phát biểu tại cuộc tọa đàm nêu trên, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương đều cho rằng, các dự án sân golf đã và có thể đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương mình. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2010, 29 sân golf đã đi vào hoạt động đã đóng góp khoảng 505 tỷ đồng vào ngân sách; giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 1,5-2,5 triệu đồng/người. Cảnh quan ở nhiều khu vực có sân golf phát triển vốn là đất trống, đồi trọc, cồn cát ven biển... đã có sự thay đổi tích cực, trở thành những điểm đến hấp dẫn. Vấn đề ở đây là phải lựa chọn địa điểm phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu quản lý cũng như các mục tiêu của quốc gia và địa phương.
Thực sự đã đến lúc “giải oan” cho sân golf, nêu rõ địa chỉ những dự án không phù hợp, cần sửa đổi hoặc bãi bỏ. Những nguyên tắc cơ bản trong phát triển sân golf hiện đã có khá đầy đủ, theo đó, “khu vườn đầu tư” cần được dọn sạch cho những nhà đầu tư nghiêm túc, tuân thủ đúng luật pháp.
ANH THƯ