Giải pháp chống kẹt xe - Tăng hiệu quả xe buýt

Giải pháp chống kẹt xe - Tăng hiệu quả xe buýt
  • Xe buýt cho người khuyết tật: Chờ đến bao giờ?

Anh Lê Minh Duy bị bệnh bại liệt, phải đi làm bằng xe lăn. Do không có cơ hội tiếp cận với xe buýt dành cho người khuyết tật nên anh phải chọn giải pháp thuê nhà gần nơi làm việc. Anh cho biết: “Tuy TP đã trang bị một số ít xe buýt dành cho người khuyết tật nhưng chỉ giới hạn chạy một số tuyến nên chúng tôi muốn “đồng hành cùng buýt” đến những nơi cần đến rất khó khăn”.

Trong khi nhu cầu được đi học, đi làm bằng xe buýt của cộng đồng người khuyết tật ở TPHCM rất lớn nhưng hiện nay số lượng xe buýt và nhà chờ dành cho họ còn rất ít. Do đầu tư các tuyến xe buýt chưa nhiều và việc đón khách là người khuyết tật thiếu nhiệt tình nên nhiều người khuyết tật đành “chia tay” với xe buýt.

Vì lý do ít người khuyết tật đi lại nên một số xe buýt ở TPHCM dù được trang bị sàn thấp đã tháo bỏ khiến cho cơ hội đi lại bằng phương tiện công cộng của họ càng thu hẹp hơn. Từ năm 2011, Luật Người khuyết tật Việt Nam có hiệu lực đã mở thêm cơ hội, tạo điều kiện cho người khuyết tật trong cả nước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hội nhập với xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD), để có thể hòa nhập vào cộng đồng, tham gia học tập, lao động và các hoạt động xã hội khác, người khuyết tật rất cần sự bảo trợ của nhà nước trong việc tháo bỏ rào cản về phương tiện giao thông công cộng. Để giúp người khuyết tật chạm vào ước mơ sớm được đi xe buýt, trong kiến nghị gởi đến UBND TPHCM, các ngành chức năng ở TPHCM và Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng, Trung tâm DRD đề xuất nên mua xe buýt sàn thấp thay vì sàn cao như những xe buýt đang sử dụng. Điều này đem lại nhiều cái lợi cho người khuyết tật cũng như những đối tượng khác là người già, trẻ em, phụ nữ có thai…

Giúp đỡ người khuyết tật lên xe buýt. Ảnh: C.T.V.

Giúp đỡ người khuyết tật lên xe buýt. Ảnh: C.T.V.

Đồng tình với quan điểm này, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng cho rằng thành phố và ngành vận tải công cộng đang hướng tới dịch vụ xe buýt gần gũi hơn cho người khuyết tật. Ngoài việc cải tạo một số xe buýt phục vụ người khuyết tật trên tuyến Sài Gòn – Bình Tây và tuyến Bến xe miền Tây – ký túc xá Đại học Quốc gia, thành phố cũng đầu tư thí điểm xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG, có lắp đặt thêm thiết bị hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận.

Song song đó, trong thời gian tới (2011-2020), trung tâm sẽ tiến hành cải tạo 210 vị trí trạm dừng, nhà chờ xe buýt đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận được với xe buýt. Ngoài ra, kế hoạch đầu tư sửa chữa vỉa hè trên từng tuyến đường sẽ được thực hiện đồng bộ về kết cấu, thiết kế để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng. Mục tiêu mà trung tâm và ngành vận tải công cộng TP đặt ra là đảm bảo đến năm 2020 số lượng phương tiện xe buýt đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận đạt 5%-10% trên tổng số lượng xe buýt toàn TP.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này không dễ và cái khó mà trung tâm đưa ra chính là giá thành đầu tư mua xe buýt tiếp cận cao hơn giá xe buýt bình thường 30%-50%. Vốn ở đâu và TP có cấp bù lãi suất vay? Đây là câu hỏi chưa có lời giải và dự án đầu tư xe buýt tiếp cận của TPHCM vẫn đang chờ UBND TPHCM xem xét.

Trong khi Bộ trưởng Bộ GTVT đang kêu gọi người dân đồng hành cùng buýt thì việc tạo cơ hội cho cộng đồng người khuyết tật được tiếp cận xe buýt là chủ trương nhân văn và kinh tế. Thay vì “nhốt” những người khuyết tật ở nhà và nhà nước phải trợ cấp nuôi họ thì chúng ta hãy mở rộng cơ hội hội nhập xã hội, tự tìm việc làm, thu nhập, cải thiện cuộc sống cho họ.

Tại các nước phát triển và ở quanh chúng ta như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, người khuyết tật được tạo điều kiện thuận lợi để đi lại bằng phương tiện công cộng như xe buýt, metro, taxi… Vậy đến bao giờ người khuyết tật ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung có thể tiếp cận rộng rãi với phương tiện giao thông công cộng? Rất mong UBND TPHCM và các ngành chức năng sớm triển khai dự án nói trên.

  • Tổ chức luồng tuyến phù hợp

Vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những người dân đang cư ngụ, sinh sống ở hai đô thị lớn này. Cho nên, câu chuyện đi tìm giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng trên luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đã đăng tải nhiều ý kiến khác nhau chung quanh việc hạn chế xe cá nhân. Nhưng theo tôi, còn có một “thủ phạm” gây ùn tắc giao thông cần phải được “điểm danh” để xử lý, đó là những tuyến xe buýt chưa hợp lý, kém hiệu quả!

Đơn cử như sáng 24-10, vào khoảng 8 giờ 15, tôi lưu thông trên đường Hồng Bàng (đoạn quận 5) - con đường có lộ giới thuộc vào hạng lý tưởng của TPHCM, với 2 chiều xe được tách bạch bởi tiểu đảo hoa viên ở giữa, thế nhưng bên làn đường chạy về hướng Bến xe miền Tây, dòng xe cộ phải chậm chạp nhích từng bước một. Nguyên nhân là do cùng thời điểm ấy, trên đoạn đường này có đến… 6 chiếc xe buýt cứ lần lượt tấp vào nhà chờ rồi trở ngược ra đường.

Theo tôi, trong gói giải pháp chống ùn tắc giao thông cần có nội dung sắp xếp lại luồng tuyến xe buýt phù hợp với nhu cầu sử dụng. Không nên cứng nhắc rằng ở một lộ trình thì bắt buộc cứ sau vài chục phút là phải có một chuyến xe. Nếu như lộ trình đó chỉ đông khách vào một số giờ nhất định (ví dụ như giờ vào ca, vào học buổi sáng và tan tầm buổi chiều) thì chúng ta có thể tăng chuyến vào giờ cao điểm và giảm chuyến, thậm chí không tổ chức chuyến trong giờ thấp điểm.

Cách làm này có thể gây bất tiện cho một vài hành khách nhưng số đông người lưu thông trên đường sẽ được thụ hưởng lợi ích. Thiết nghĩ, ngành giao thông cần khảo sát và sắp xếp lại để tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt. 

K.HÀ - HOÀNG TRỌNG KHÔI

Tin cùng chuyên mục