Giải pháp giảm tai nạn giao thông địa bàn Bình Chánh

Từ năm 2015 đến nay, Bình Chánh là địa phương có số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra nằm trong tốp đầu ở TPHCM. Phần lớn các vụ TNGT đều gây ra hậu quả nghiêm trọng (có người chết). Nhiều giải pháp căn cơ đã được ngành chức năng, chính quyền sở tại nỗ lực thực hiện. 

Song, TNGT chẳng những không giảm mà còn tăng cao, có giai đoạn tăng 50% số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ, thời điểm liền kề. Đâu là nguyên nhân? 

Giải pháp giảm tai nạn giao thông địa bàn Bình Chánh ảnh 1 Hiện trường một vụ TNGT khiến nạn nhân tử vong xảy ra trên đại lộ Nguyễn Văn Linh
 TNGT đứng đầu thành phố

Trưa 27-3, anh Kim Đơ (25 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) điều khiển xe máy chở vợ là chị Diệp Thị Sáng (20 tuổi) lưu thông trên đường Trần Đại Nghĩa, hướng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân ra quốc lộ 1A. Khi đến trước nhà số B19 đường Trần Đại Nghĩa thì va quẹt với xe tải 51C-842.71 chạy hướng ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến vợ chồng anh Đơ ngã xuống đường, chết tại chỗ.

Tại hiện trường, xe máy bể nát, cabin xe tải hư hỏng nặng. Trước đó, lúc 7 giờ sáng cùng ngày, ông Lâm Văn Quang (49 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) điều khiển xe máy chở con gái Lâm Trúc Linh lưu thông trên đường Võ Trần Chí (huyện Bình Chánh, hướng Long An đi TPHCM). Khi qua khỏi nút giao với đường Trần Đại Nghĩa 200m thì xảy ra va chạm với một ôtô 7 chỗ. Tai nạn khiến ông Quang chết tại chỗ, con gái bị thương nặng phải cấp cứu tại bệnh viện. Đó là 2 trong số 35 vụ TNGT gây chết người xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh trong vòng 3 tháng qua.  

Năm 2018, Bình Chánh xảy ra 143 vụ TNGT, làm chết 144 người, bị thương 12 người. So với cùng kỳ năm 2017, tăng 34 vụ, tăng 33 người chết, tăng 8 người bị thương. Với các con số này, Bình Chánh là địa phương có số vụ TNGT và số người chết cao nhất trong 24 quận huyện ở TPHCM trong năm qua, chiếm tỷ lệ 20% toàn thành phố.

Bước sang năm 2019, số vụ TNGT trong quý 1 tiếp tục tăng, phần lớn các vụ TNGT đều gây ra hậu quả nghiêm trọng. Qua thống kê, đánh giá, phân tích, điều tra từ các vụ tai nạn, Công an huyện Bình Chánh cho biết nguyên nhân dẫn đến TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, chuyển hướng sai quy định…

Những tuyến đường xảy ra TNGT nhiều gồm: Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1A, quốc lộ 50, Trần Văn Giàu, Vĩnh Lộc. Công an huyện Bình Chánh cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã tham mưu rất nhiều giải pháp để UBND huyện, Ban An toàn giao thông huyện triển khai, nhằm kéo giảm TNGT. Trong đó, 2 giải pháp căn cơ là đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm được thực hiện xuyên suốt, quyết liệt, tuy nhiên kết quả chưa như mong đợi, TNGT vẫn ở mức cao, thậm chí tăng trong một số thời điểm. 

Đâu là nguyên nhân? 

Theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Cảnh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (Công an huyện Bình Chánh), có 2 tồn tại lớn khiến TNGT ở Bình Chánh chưa thể kéo giảm. Thứ nhất, do ý thức chấp hành luật của một bộ phận lớn người tham gia giao thông còn quá kém. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông đến người dân của ngành chức năng, đoàn thể địa phương tuy thực hiện tích cực nhưng do phần lớn người dân sống ở Bình Chánh là người nhập cư, công nhân, lao động, chỗ ở không ổn định, do đó việc tiếp cận để tuyên truyền còn khó khăn, hiệu quả mang lại chưa cao. Thứ hai, hạ tầng giao thông bị quá tải, không theo kịp sự gia tăng chóng mặt của phương tiện, nhu cầu lưu thông, kéo theo TNGT xảy ra. 

“Quốc lộ 50 nối TPHCM, Long An, Tiền Giang có lượng phương tiện lưu thông rất lớn, trong khi chiều ngang đường lại quá hẹp (có đoạn chỉ 10m). Hiện nay để tránh ùn tắc cục bộ, kéo dài, ngành chức năng không lắp dải phân cách giữa 2 chiều đường và các làn trên đường này, nên  ô tô và xe máy thường xuyên trộn dòng, dẫn đến va quẹt. Khi va quẹt, người đi xe máy ngã xuống đường, do đường hẹp, phương tiện phía sau khó tránh và xử lý kịp. Đã có nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra từ các tình huống này”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cảnh phân tích.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, trung bình mỗi tháng huyện Bình Chánh có khoảng 1.000 phương tiện đăng ký mới. Chưa kể, Bình Chánh là huyện cửa ngõ phía Tây của thành phố, mỗi ngày có hàng triệu lượt phương tiện lưu thông từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đổ về TPHCM và ngược lại. Trong khi đó, hầu hết các tuyến đường huyết mạch, đường “xương sống” chưa được xây dựng hoàn thiện, có một số tuyến xuống cấp chưa được nâng cấp, duy tu, theo đó TNGT xảy ra là tất yếu. 

Ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh, thừa nhận hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến TNGT ở Bình Chánh tăng cao trong thời gian qua. Theo ông Thanh, toàn huyện Bình Chánh hiện có hơn 1.000 tuyến đường giao thông lớn nhỏ, tuy nhiên chỉ có 25% số tuyến đường đảm bảo hạ tầng kỹ thuật (có vỉa hè, được láng nhựa, có hệ thống cống thoát nước, có đèn chiếu sáng…); phần lớn các tuyến đường này là đường nội bộ trong các khu dân cư mới. Hàng trăm tuyến đường còn lại đều khiếm khuyết về hạ tầng giao thông, hoặc chưa hoàn thiện như thiết kế.

 Theo ông Huỳnh Văn Thanh, để kéo giảm TNGT ở Bình Chánh cần phải có lộ trình. Về giải pháp, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật cho người tham giao thông, tăng cường xử lý vi phạm, trước mắt Bình Chánh sẽ chủ động và phối hợp với các sở ngành tổng rà soát, kiểm tra và khắc phục các khiếm khuyết về hạ tầng giao thông như khắc phục tình trang ngập nước, thiếu đèn chiếu sáng, biển báo; tổ chức phân luồng giao thông ở một khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn. Đồng thời sẽ kiến nghị UBND TPHCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mở rộng, xây mới các tuyến đường giao thông huyết mạch, có lượng phương tiện lưu thông nhiều như tuyến song song quốc lộ 50, mở rộng đường Trần Văn Giàu, quốc lộ 1A… 

Tin cùng chuyên mục