Giải pháp nào để giảm tải giáo dục?

Giải pháp nào để giảm tải giáo dục?

Tuyên bố “Tập trung giảm tải” của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển vào đúng ngày học sinh các vùng miền trong cả nước tựu trường, ngày 15-8, là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa đối với hàng triệu học sinh và phụ huynh trong cả nước trước khi bước vào năm học mới.

Hồ hởi là vậy nhưng sẽ giảm tải cái gì, bao nhiêu… thì dường như vẫn còn chung chung như những năm học trước. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông thứ trưởng vẫn trước sau khẳng định “học sinh bị quá tải là do rất nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do kiến thức trong sách giáo khoa nặng”, “sửa chữa những sai sót nhưng vẫn đảm bảo tính hệ thống của chương trình chứ không phải cắt bỏ nội dung dạy học một cách cơ học”… đọc xong tôi cảm thấy hụt hẫng.

Lời ông thứ trưởng không sai vì giáo dục hiện nay quá tải nhiều mặt nhưng cái quá tải nhất vẫn là chương trình, nội dung sách giáo khoa (SGK). Không khó hiểu khi than phiền của dư luận về chuyện SGK “nóng” đến độ nhiều lần phải đưa vào nghị trường Quốc hội… thế nhưng có vẻ như ngành giáo dục đang cảm nhận theo chiều hướng khác.

Bằng chứng là ngành đang theo đuổi việc xây dựng đề án đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015 hơn là lắng nghe dư luận và chấn chỉnh lập tức như một việc cần làm ngay. Việc hoạch định cho chương trình, SGK mới thể hiện cách làm bài bản, chuyên nghiệp nhưng liệu có cần thiết trong thời điểm hiện nay khi nguồn ngân sách đang hạn hẹp và phải thể nghiệm trong thời gian dài, 5 hoặc 10 năm, mới rõ được tính hiệu quả của nó. Chưa nói, mỗi lần đổi mới SGK, người ta bớt cái này nhưng lại thêm cái khác, luẩn quẩn như chuyện đào và lấp trong ngành giao thông…

Biên soạn SGK mới không phải là mong đợi của hàng triệu phụ huynh và học sinh cả nước. Cái mong đợi chính là cắt giảm chương trình, nội dung dạy học, những kiến thức không thiết thực, nặng tính hàn lâm. Nếu không cắt giảm chương trình, sẽ khó nói không với dạy thêm, học thêm hay phụ đạo, tăng tiết.

Con tôi năm nay vào lớp 8 tại một trường ở quận 3. Tôi nhớ lời ông thứ trưởng tuyên bố “tập trung giảm tải” nhưng khi xem thời khóa biểu của cháu đưa về, tôi không khỏi bàng hoàng khi 6 buổi trong tuần, học 12 môn, lịch học đều kín (mỗi ngày 5 tiết), ngoài ra phải đến trường thêm 3 buổi sáng để học tăng cường tiếng Anh và vi tính! Chưa nói, học sinh trong lớp, để đối phó với lịch học nặng nề như vậy, đều phải đi học thêm các môn toán, văn, ngoại ngữ… sau giờ học chính khóa. Như vậy là tăng tải hay giảm tải? Nhiều phụ huynh nhìn nhau, lắc đầu, ái ngại khi chuẩn bị bước vào điệp khúc “con đi học - cha mẹ đưa đón” với lịch học dày đặc như vậy…

Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà giáo đề nghị nên cắt giảm 1/3 nội dung chương trình dạy hiện nay, thực hành nhiều hơn lý thuyết… Còn bộ nói “tập trung giảm tải” là sẽ giảm cái gì, giảm bao nhiêu, giảm ra sao?

Dư luận đang mong chờ…

Thành Văn (Quận 3)

Tin cùng chuyên mục