Giải pháp phát triển bền vững luôn gắn với môi trường

Tại diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững” tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt là những thách thức lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng Mặt trời trong sản xuất để thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính
Doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng Mặt trời trong sản xuất để thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính

Chính vì thế, việc chuyển đổi hình thức sản xuất của doanh nghiệp (DN) sang hướng phát triển bền vững hơn, ít tác động tới môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại nhiều giá trị cho xã hội là rất cấp bách.

Nhân rộng mô hình sáng tạo 

Tại diễn đàn, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc (UN) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức đến từ việc tăng trưởng có xu hướng ít bao trùm hơn. Nhằm giúp các DN hướng đến phát triển bền vững, đại diện Liên hiệp quốc tại Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực chung, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ông Kamal Malhotra cũng nhấn mạnh vai trò cốt yếu của DN đối với việc thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Bởi lẽ, kết thúc đói nghèo, đấu tranh với bất bình đẳng, đẩy mạnh tiêu dùng và sản xuất xanh là những mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thiện theo cam kết với Liên hiệp quốc. Và để hiện thực hóa nhiệm vụ đó, DN đóng vai trò rất quan trọng, từ DN lớn đến DN nhỏ và vừa, kể cả DN siêu nhỏ.

Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện các DN của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Coca-Cola, SCG, Pepsico và Vingroup đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế cũng như các thông lệ tốt tại DN trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững. Hàng loạt mô hình kinh doanh như dây chuyền sản xuất sử dụng 100% năng lượng tái tạo, các phụ phẩm và phế liệu được tái sử dụng hoặc tái chế... đã được giới thiệu tại diễn đàn để các DN tham khảo cho quá trình xây dựng chiến lược phát triển bền vững của mình. Ông Leo Evers, Tổng Giám đốc điều hành Heineken Việt Nam, chia sẻ về giải pháp sáng tạo của DN thông qua việc áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng nhằm hướng tới hoạt động không thải trong tương lai gần. Hiện 4/6 nhà máy của Heineken Việt Nam nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối và tới 99% phụ phẩm, phế liệu được tái chế hoặc tái sử dụng. Heineken Việt Nam cũng không ngừng giảm thiểu lượng nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất và quản lý nước thải. Năm 2016, Heineken Việt Nam đã giảm được gần một nửa lượng nước tiêu thụ so với năm 2008. Nước thải tại các nhà máy luôn đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và có thể tái sử dụng để trồng cây, nuôi cá.

Từ các mô hình thực tế được chia sẻ tại diễn đàn, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, các mô hình kinh doanh mới, tiên tiến như kinh doanh cùng người thu nhập thấp, nền kinh tế tuần hoàn, DN xã hội, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, thực hiện minh bạch liêm chính trong kinh doanh hay áp dụng những công cụ ưu việt trong quản trị công ty (như lập báo cáo bền vững...) cần được triển khai rộng hơn nữa trong cộng đồng DN và các bên liên quan để sự phát triển bền vững thực sự hiệu quả. 

Lồng ghép mục tiêu và chiến lược phát triển 

Các chuyên gia cũng như các DN lớn tại diễn đàn khẳng định, trong xu thế hội nhập sâu rộng, phát triển bền vững không chỉ là sự lựa chọn mà trở thành con đường duy nhất. Đầu tư vào phát triển bền vững là cơ hội lớn để huy động vốn đầu tư. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc chủ động lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược sản xuất sẽ giúp DN trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư và tạo vị trí trong lòng người tiêu dùng. Theo ước tính, nếu DN nỗ lực thực hiện 17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc sẽ giúp tạo ra giá trị kinh doanh 12.000 tỷ USD trên toàn cầu và khoảng 380 triệu việc làm. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, hiện rất nhiều DN Việt Nam đã và đang tiếp cận mô thức phát triển theo kiểu phát triển bền vững, tiếp cận các chuẩn mực toàn cầu và đó là tín hiệu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng phải bắt đầu những bước chân kinh doanh đầu tiên của mình theo cách thức bền vững. Chính sự đầu tư vào phát triển bền vững; trong đó gắn với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu là cơ hội lớn để các DN huy động được nguồn vốn đầu tư và đây cũng là “giấy thông hành” cho DN bước vào thị trường thế giới trong tương lai. Trong thời gian tới, VCCI sẽ giao Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam chủ trì, thành lập một trung tâm hỗ trợ DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn, nhằm thúc đẩy sự tham gia của DN trong việc xây dựng nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân tại Việt Nam, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá 4.500 tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, bên cạnh thách thức từ biến đổi khí hậu, sự bùng nổ dân số cũng đang gây ra nhiều nguy cơ cho vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững có thể mang lại rất nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho Việt Nam - một đất nước có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục