Ngày 31-3, Báo SGGP đăng bài “Sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL - Vẫn mạnh ai nấy làm”, phản ánh thực tế sản xuất, tiêu thụ lúa gạo đang bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn. Dù đóng góp rất lớn nhưng đời sống người trồng lúa vẫn nghèo. Sau khi báo đăng, chúng tôi ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về giải pháp cho ngành sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững.
- GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Phát triển mạnh công nghệ sau thu hoạch
Thất thoát sau thu hoạch lúa tại ĐBSCL còn rất lớn, chiếm khoảng 13,7%, tương đương 500 triệu USD. Số tiền này bằng với kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm qua. Khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam còn thấp, không phải chỉ vì chất lượng giống mà còn do trình độ quản lý kém. Trong đó, công nghệ sau thu hoạch lâu nay đầu tư rất thấp. Chưa ở đâu như nước ta, sau hơn 20 năm nhưng chỉ có nhà nước đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch; trong khi ở các nước khác, doanh nghiệp đầu tư rất mạnh. Hình ảnh nông dân ĐBSCL phơi lúa trên sân, đường giao thông… còn rất phổ biến. Nông dân đang chờ doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ sau thu hoạch, tăng giá trị và để hạt gạo Việt Nam có thương hiệu trên trường quốc tế.
Kinh nghiệm của Malaysia, Nhật Bản… cho thấy: Nếu không có những hệ thống băng chuyền được đầu tư hiện đại thì thất thoát sau thu hoạch của họ cũng giống như Việt Nam hiện nay. Nhà nước họ cho vay với lãi suất ưu đãi, nguồn vốn vay dài hạn; doanh nghiệp của họ được hình thành từ việc làm ăn hợp tác với nhau để bảo vệ quyền lợi của nông dân. Rõ ràng, những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn và kinh nghiệm sẽ phải được xác định để công nghệ sau thu hoạch Việt Nam được nâng ngang tầm với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…
- GS-TS Võ Tòng Xuân: Công ty cổ phần nông nghiệp, lối ra cho nông dân trồng lúa
Một lối ra cho nông dân trồng lúa hiện nay chính là thực hiện mô hình công ty cổ phần nông nghiệp. Tổ chức liên kết nông dân sản xuất lúa với nhau bằng việc xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, tập đoàn… theo phương thức hiện đại, đạt mọi tiêu chuẩn thị trường cạnh tranh để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với giá trị tối ưu.
Thời kỳ cạnh tranh kinh tế thị trường cần phải có sản phẩm: khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Chấm dứt tình trạng doanh nghiệp sản xuất mà không có vùng nguyên liệu ổn định chất lượng cao. Nông dân sẽ được đào tạo kỹ năng sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP hoặc Global GAP đúng sản phẩm mà doanh nghiệp cần tiêu thụ.
Gắn kết chuỗi giá trị sản xuất nông sản, từ nguyên liệu đến thành phẩm, có thương hiệu mạnh đưa ra thị trường. Lợi tức được phân bổ hợp lý cho các thành phần tham dự. Trong đó đảm bảo nông dân luôn có cơ hội tích lũy lợi tức, trong khi doanh nghiệp cũng đảm bảo mức thu nhập. Đặc biệt, trong công ty cổ phần nông nghiệp, nông dân có thể mua cổ phần của doanh nghiệp bằng lúa, đảm bảo giá có lãi. Mô hình này sẽ giúp nông dân gắn kết với doanh nghiệp hơn vì họ thực sự được làm chủ; không còn chuyện bị ép giá. Phía doanh nghiệp thì không phải chịu áp lực lớn về tài chính, đảm bảo nguồn nguyên liệu lớn, ổn định, có thương hiệu…
Trong khi tiến tới mô hình công ty cổ phần nông nghiệp, hiện nay có nhiều cách tiếp cận tương đối hiệu quả như: Liên kết của HTX nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) và Công ty cổ phần ADC để sản xuất và tiêu thụ gạo Tứ Quý. Liên kết của nhiều cụm nông dân An Giang với Công ty Nhật Bản Kitoku sản xuất lúa Nhật rất thành công. Cánh đồng mẫu lớn do Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang tổ chức tại một số tỉnh ĐBSCL… Nông dân trong các liên kết này được tiêu thụ đầu ra với thu nhập thỏa đáng, dù họ vẫn đơn thuần là người cung ứng nguyên liệu chứ chưa được chia lãi với công ty...
- PGS-TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt: Sản xuất theo đơn đặt hàng
Cách làm của Việt Nam từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu lúa gạo đang bị “lỗi nhịp”, đi ngược lại với xu hướng sản xuất hiện đại. Ở các nước tiên tiến, doanh nghiệp phối hợp rất chặt chẽ với nông dân. Chỉ khi ký được hợp đồng cung ứng thì họ mới sản xuất, chế biến và giao hàng. Như vậy, họ biết rõ nhu cầu cần loại gạo gì, sản lượng bao nhiêu và đặt hàng nông dân sản xuất đúng theo yêu cầu, nên giá rất cao.
Ở nước ta thì ngược lại. Doanh nghiệp gom lúa gạo nguyên liệu trước rồi mới tìm khách hàng ký kết hợp đồng, trong khi nông dân cứ sản xuất trước, bán sau; gặp lúc ế bán không được thì chịu. Khắc phục những hạn chế này, Bộ Công thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nên có dự báo trước về thị trường tiêu thụ, giá cả, chủng loại… để định hướng cho nông dân sản xuất. Do vậy, việc tổ chức lại sản xuất lớn; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu gạo Việt… là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
- TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Liên kết vùng và sự tham gia của 4 nhà
“Sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thông qua liên kết vùng và sự tham gia của 4 nhà” là giải pháp rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. Qua đó, nhằm ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống, tìm ra giống lúa cho năng suất cao ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh, thích nghi biến đổi khí hậu… Chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng cho hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu; áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất lúa để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân.
Phát triển các dạng hình kinh tế hợp tác để thuận lợi cho đầu tư, sản xuất hàng hóa đủ lớn, dễ dàng tiếp cận thị trường và đảm bảo đầu ra. Trong đó, liên kết 4 nhà là khâu mấu chốt được quan tâm hàng đầu. Nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh lúa gạo vùng ĐBSCL từ khâu dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, bảo quản tồn trữ, chế biến tiêu thụ. Chú trọng nhất là tổ chức liên kết nông dân trong chuỗi cung ứng lúa gạo và xây dựng thương hiệu.
Bình Đại (ghi)