Giải pháp phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam

Sáng 21-10, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), Bộ TT-TT phối hợp với Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức Hội thảo “Giải pháp và cơ chế chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”. 

Hội thảo nhằm thảo luận những khó khăn còn tồn tại và tham mưu cho Chính phủ về các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, xây dựng chiến lược phát triển cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Giải pháp phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam ảnh 1 Nhiều doanh nghiệp lớn tại TPHCM và các tỉnh đến chia sẻ về các chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam

Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như AI, IoT, 5G, Big Data… Mặc dù là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam chưa có chiến lược, giải pháp, kế hoạch đầu tư bài bản tầm quốc gia để phát triển. Nhìn chung ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, đa phần các cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp thành phẩm có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng.

Hiện nay, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch, bán dẫn hiện được hưởng các ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách của Chính phủ. Đồng thời, tình hình kinh tế, chính trị ổn định đã nâng cao uy tín và mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến thu hút nguồn vốn FDI của một số tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới như: Samsung, Amkor Technology Inc, Hana Micron (Hàn Quốc), Intel, Synopsys (Mỹ), Renesas Electronics (Nhật Bản), USI Electronic (Đài loan)… 

Giải pháp phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam ảnh 2 Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT,  Bộ TT-TT phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ TT-TT cho biết, tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông mỗi năm tăng từ 7-9% và tăng liên tục trong những năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2021 doanh thu là 130 tỷ USD; trong đó, phần mềm chiếm khoảng 5,5 tỷ USD, phần cứng là 110 tỷ USD. Tuy nhiên, về mảng phần cứng có đến 99% các thiết bị điện tử viễn thông tại Việt Nam đang sử dụng đều là ở nước ngoài. 

“Thực tế, việc phát triển sản xuất phần cứng tại Việt Nam còn rất thấp, Việt Nam đang trong thời kỳ già hoá dân số, mất dần những ưu thế về độ tuổi, nguồn lao động; do vậy cần xem thị trường thế giới là thị trường chính của ngành công nghiệp tại Việt Nam. Hiện nay, việc nghiên cứu sản xuất công nghệ bán dẫn tại Việt Nam đang được hưởng những ưu đãi cao nhất, tuy nhiên để phát triển thành công cần những lộ trình bài bản và các kế hoạch cụ thể hơn”.

Tin cùng chuyên mục