Giải pháp phát triển nông nghiệp Tây Ninh

Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần nâng cao đời sống của nông dân và cư dân nông thôn, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh. Tại tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và kèm theo đó là chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 Cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư

Tại tỉnh Tây Ninh, khu vực nông nghiệp, hàng năm đóng góp từ 25% - 41% GDP cho toàn tỉnh; trong khi đó, khu vực này chỉ nhận được 6% - 13% tổng vốn đầu tư. Đây là một điều bất hợp lý cần khắc phục theo hướng tăng vốn đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp.

Từ khi Tây Ninh bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, mức độ đầu tư cho nông nghiệp có xu thế tăng: nếu năm 2010 tổng đầu tư cho nông, lâm, thủy sản theo giá so sánh 2010 là 688 tỷ đồng thì đến năm nay tăng lên trên 1.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 8%/năm. 

Giải pháp phát triển nông nghiệp Tây Ninh ảnh 1 Tây Ninh tập trung sản xuất lúa chất lượng cao
Về cơ cấu nguồn vốn trong nông nghiệp đang có sự thay đổi khá rõ nét, nếu năm 2010 nguồn vốn đầu tư từ nhà nước chiếm tới 24%, nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 45% và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 3%.
Tỉnh Tây Ninh đã có nhiều giải pháp để thay đổi cơ cấu nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay tỷ trọng các nguồn vốn tương ứng là: Nhà nước 14%, ngoài nhà nước 58%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 28%. Vai trò chủ thể của người dân dần được khẳng định, tại mỗi xã xây dựng nông thôn mới, tổ chức Hội Nông dân cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền vận động hội viên nông dân chung tay hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Bảo Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh nói: “Hội nông dân từ đầu năm xác định rõ vai trò của hội, làm nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm Hội đã xây dựng chương trình, tuyên truyền đến hội viên, những chủ trương, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phối hợp, vận động người dân sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết, mang lại hiệu quả cho người dân”.

Hiện nay, các loại hình tổ chức sản xuất trong ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gồm có: Kinh tế nông hộ, kinh tế trang trại, kinh tế doanh nghiệp và kinh tế hợp tác. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 147 ngàn hộ nông dân đang tham gia sản xuất nông nghiệp, sử dụng khoảng 184 ngàn ha đất nông nghiệp. Kinh tế nông hộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hàng năm đóng góp khoảng 55% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Về kinh tế trang trại, tỉnh hiện có trên 1.000 trang trại đang hoạt động, sử dụng khoảng 10 ngàn ha đất nông nghiệp. Hàng năm, kinh tế trang trại đóng góp khoảng 12% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. 

Giải pháp phát triển nông nghiệp Tây Ninh ảnh 2 Lãnh đạo ngành nông nghiệp Tây Ninh thăm mô hình lúa chất lượng cao ở huyện Gò Dầu 
Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hàng năm đóng góp khoảng 25% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Về kinh tế hợp tác, doanh thu bình quân hàng năm của mỗi hợp tác xã là 1.300 triệu đồng; lãi bình quân hàng năm 174 triệu đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các Tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu bình quân hàng năm của 1 Tổ hợp tác là 300 triệu đồng, lãi bình quân 37 triệu đồng/tổ hợp tác. Kinh tế hợp tác đóng góp khoảng 8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Người dân cũng đã nhận thấy nhiều lợi ích khi tham gia vào mô hình kinh tế tập thể.

Ông Hoàng Phú Hậu, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu - xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, cho biết: “Do giá nông sản bấp bênh, giá vật tư nông nghiệp lên quá cao, Hội đồng quản trị HTX tiến hành họp với Phòng Nông nghiệp huyện, Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật, các kỹ sư tập đoàn Lộc Trời, đưa kỹ thuật viên hỗ trợ nông dân, làm sao giá thành giảm xuống, rải voi, bón phân hữu cơ vi sinh, giảm bớt phân bón hóa học, chi phí giá thành giảm 20-25%, tăng năng suất lên, bà con rất yên tâm đồng hành cùng HTX”.

Ưu tiên nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là xu thế phát triển tất yếu nhằm tạo bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh.

Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 15-10-2021 của Tỉnh ủy Tây Ninh về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI. 

Giải pháp phát triển nông nghiệp Tây Ninh ảnh 3 Lãnh đạo ngành nông nghiệp thăm mô hình nuôi bò ở huyện Gò Dầu 

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN- PTNT Tây Ninh: “Nhằm cụ thể hoá chủ trương, Sở NN- PTNT tỉnh đã được UBND tỉnh Tây Ninh giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp, tham mưu cấp có thẩm quyền trình thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh trong năm 2022.

Với các nội dung chính như sau: Định hướng các vùng ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo định hướng, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản; làm cơ sở đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phát triển nguyên liệu đáp ứng nhu cầu cho chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, đưa ra các chính sách phù hợp để đẩy mạnh phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mục tiêu cụ thể, tỉnh Tây Ninh phấn đấu định hướng phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2022 – 2030. Đề án định hướng phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể: Giai đoạn 2022 – 2025: 9 vùng với (5 vùng trồng trọt với diện tích 2.950 ha, 3 vùng chăn nuôi gà thịt với quy mô 972.000 con/lứa và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi với diện tích 1.646,1ha).

Giai đoạn 2026 – 2030: 11 vùng (8 vùng trồng trọt với diện tích 5.714,7ha; 2 vùng chăn nuôi bò sữa, lợn thịt với quy mô 50.000 con/năm và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi với diện tích 1.000ha).

Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích (ha) đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng và năm 2030 đạt 130 triệu đồng.

Riêng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt giá trị sản phẩm trên 1ha sản xuất từ 150 triệu đồng năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030. Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Tỉnh Tây Ninh đang tìm các giải pháp đối với dịch vụ nông nghiệp để phát triển tương xứng với các ngành sản xuất. Tốc độ tăng trưởng bình quân của dịch vụ nông nghiệp hiện đạt 18%/năm. Thời gian qua, lực lượng lao động tham gia các hoạt động dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất mỏng và chưa hội đủ các điều kiện như trình độ chuyên môn sâu rộng.

Do đó, cần có chính sách thỏa đáng để khuyến khích các hoạt động tư vấn nông nghiệp, các chính sách khác về đất đai, tín dụng, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác, đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tin cùng chuyên mục