Giải Pitch ấn tượng và dấu ấn Việt Nam

Vượt qua hơn 250 giáo viên đến từ 87 quốc gia, nhà giáo Nguyễn Thị Liễu, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1, TPHCM) đã được vinh danh tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft  tổ chức tại Mỹ mới đây. Điều gì đã giúp cô tỏa sáng và được đồng nghiệp trên thế giới ngưỡng mộ?
Giải Pitch ấn tượng và dấu ấn Việt Nam

Vượt qua hơn 250 giáo viên đến từ 87 quốc gia, nhà giáo Nguyễn Thị Liễu, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1, TPHCM) đã được vinh danh tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft  tổ chức tại Mỹ mới đây. Điều gì đã giúp cô tỏa sáng và được đồng nghiệp trên thế giới ngưỡng mộ?

Nỗ lực và sáng tạo

Sau 3 năm tham gia diễn đàn giáo dục thường niên này, lần đầu tiên Việt Nam có hai giáo viên được vinh danh bởi thành tích cao nhất. Đó là cô Nguyễn Thị Liễu (giải nhất) và thầy Ngô Thành Nam (Trường Tiểu học Việt Úc, TPHCM) nhận giải nhì. Đây là sự kiện quan trọng nhằm tìm kiếm và tôn vinh những thành tựu của các nhà giáo dục trong việc đào tạo học sinh các kỹ năng của thế kỷ 21.

Cô Nguyễn Thị Liễu (phải) tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu.

Nở nụ cười tự tin, nhà giáo Nguyễn Thị Liễu kể rằng, để vượt qua những đồng nghiệp “nặng ký” sử dụng thành thạo các phần mềm mới nhất của Microsoft vào giảng dạy, cô cùng nhóm hợp tác làm dự án phải chung sức thể hiện sự sáng tạo nổi trội. Cuộc thi lần năm nay mang tên Thử thách chuyên gia giáo dục - Educator challenge với chủ đề là “Sự dũng cảm, Thử thách, Sự lãnh đạo”. Các giáo viên được chia thành 44 nhóm theo phân bố ngẫu nhiên, gồm 5 - 6 giáo viên/nhóm và không có 2 giáo viên cùng một nước trong các nhóm.

Các nhóm chỉ có 24 giờ cùng hợp tác một dự án với chủ đề nói trên bằng CNTT để thuyết phục ban giám khảo trong vòng 4 phút. Được xếp cùng nhóm giáo viên của 5 nước gồm Ailen, Lithunia, Tiểu vương quốc Ảrập, Chile, cô Liễu đã thể hiện sự sáng tạo đầy ấn tượng. Chủ đề mà nhóm chọn để hợp tác là “Sharing Information, Saving Lives - Chia sẻ thông tin, cứu được cuộc sống”.

Theo cô Liễu, kịch bản đưa ra là học sinh ở 2 quốc gia hợp tác thực hiện dự án về thiên tai (Natural disasters), trong đó miêu tả về những thiên tai mà 2 quốc gia gặp nhiều nhất và giải pháp đối phó, phòng chống để học sinh hai nước học hỏi. Học sinh sẽ dùng công cụ OneNote để chia sẻ sản phẩm dự án với nhau và dùng công cụ “Skype in the class room” để giao lưu trực tuyến. Thế nhưng, ngoài nỗ lực của từng thành viên trong nhóm, cô giáo Việt Nam nhỏ nhắn, nói tiếng Anh lưu loát đã tạo ấn tượng đặc biệt khi trình bày dự án Tech TeachMeet đoạt giải ở Việt Nam.

Với bộ áo dài truyền thống màu tím, cô Liễu đã khiến các giáo viên tham dự diễn đàn trầm trồ khen ngợi. Cô đã thuyết phục diễn đàn bằng tài năng sáng tạo thực sự và bề ngoài rất riêng, rất ấn tượng. Nhờ bài trình bày ấn tượng trong cuộc thi Thử thách chuyên gia giáo dục, nhóm của cô Liễu đã xuất sắc giành giải nhất - giải Pitch (thuộc nhóm 4 giải thưởng lớn).

Tiếp lửa và truyền cảm hứng

“Thế nhưng để tỏa sáng tại diễn đàn - nơi hội tụ nhiều nhà sư phạm quốc tế tài năng, chúng tôi phải nỗ lực, đầu tư rất nhiều”, cô Nguyễn Thị Liễu bộc bạch. Cô ví von: “Hội nhập vào môi trường giáo dục toàn cầu mới thấy mình đang dò dẫm đi chân đất - làm quen với những công cụ, ứng dụng CNTT mới nhất vào giảng dạy. Còn họ đã tự tin bay vào vũ trụ từ lâu rồi…”. Và để theo kịp, sánh vai với họ, cô và các thành viên trong đoàn phải học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại trang facebook của ban tổ chức, tham gia các khóa học trực tuyến. Do múi giờ khác nhau, nên sau bề bộn công việc quản lý tại trường và phải chăm lo cho gia đình nhỏ, sau 9 giờ tối cô Liễu mới có thể yên tâm ngồi trước máy tính để học online, trao đổi với đồng nghiệp trên khắp thế giới.

Với cô Liễu, chuyến đi không chỉ gặt hái thành công mà là cơ hội tốt để  giáo viên Việt Nam giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về lồng ghép công nghệ và phương pháp sư phạm tiên tiến từ khắp thế giới. Từ những gì đúc kết, học hỏi được, cô cùng 9 giáo viên Việt Nam vừa được Microsof công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu năm 2014 sẽ nhóm lửa - chia sẻ kinh nghiệm cho những dự án dạy học sáng tạo bằng CNTT ở Việt Nam. Điều cô tâm huyết là lên ý tưởng cho những dự án sắp tới với mục đích bắc cầu, kết nối học sinh của mình giao lưu, trao đổi kiến thức với học sinh của các nước khác.

Là giáo viên dạy Anh văn nên cô Liễu có lợi thế đầu tư cho những dự án đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý hoạt động giáo dục thông qua ứng dụng các phần mềm, công nghệ mới nhất vào trường học. Và nhờ sự hỗ trợ của các công cụ - phần mềm, nhiều học sinh của Trường THCS Trí Đức đã tự tin giao tiếp, trao đổi trực tuyến không chỉ với thầy cô giáo mà còn với bạn bè ở các nước khác.

Không chỉ thế, cô Liễu còn truyền cảm hứng, khuyến khích đồng nghiệp trẻ thử thách với cái mới, tham dự cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2015”. Cô còn bắt tay vào dự án do một giáo viên Phần Lan kêu gọi hợp tác về giáo dục.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục