Giải quyết các bài toán lớn cho đô thị thông minh

Đô thị thông minh (Smartcities) là xu hướng tất yếu, ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. 
Xe tự hành - sản phẩm kết hợp với FPT trong xây dựng hệ sinh thái AI tại Khu công nghệ cao TPHCM
Xe tự hành - sản phẩm kết hợp với FPT trong xây dựng hệ sinh thái AI tại Khu công nghệ cao TPHCM

Smartcities là một mô hình ứng dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng cuộc sống trong đô thị; cải thiện sự tương tác giữa chính quyền thành phố, doanh nghiệp và người dân; đồng thời quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường… Trong đó công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò then chốt.

Đã có được hệ sinh thái AI

Khu Công nghệ cao TPHCM (KCNC) với sứ mệnh thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ, huy động mọi nguồn lực trong nước về KH-CN cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại; kết hợp hiệu quả giữa sản xuất sản phẩm công nghệ cao với nghiên cứu; tiếp thu, chuyển giao phát triển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Sau 17 năm hình thành và phát triển, KCNC đã qua giai đoạn khởi động, tiến đến giai đoạn phát triển với nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường đầu tư các hoạt động nghiên cứu - triển khai, phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao, xây dựng KCNC trở thành một trung tâm KH-CN cao và là đầu kéo mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.

Bên cạnh những công nghệ tiên tiến, công nghệ cốt lõi được ứng dụng cho cuộc CMCN 4.0, công nghệ AI đang được nhiều công ty, tập đoàn công nghệ tại KCNC đầu tư phát triển về nhân lực và trang thiết bị, phục vụ cho sản xuất công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm. Nói đến công nghệ AI, không thể chỉ nói đến phần mềm, thuật toán mà phải nói đến cả một hệ thống gồm nhiều thành phần công nghệ cấu thành nên một thể hoàn chỉnh, như: cơ sở hạ tầng (internet, máy chủ server…); các thiết bị phần cứng (chip xử lý, cảm biến, board mạch, camera…); các phần mềm, thuật toán (deep learning, machine learning, cloud computing, neuron network…) và thành phần quan trọng là con người. 

KCNC hiện nay đã có được hệ sinh thái AI đủ đáp ứng yêu cầu phát triển AI cho thành phố. Về cơ sở hạ tầng, đã có nhiều nhà đầu tư đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu như FPT, CMC, HD Bank, Thế giới di động. Về các thiết bị phần cứng, đã có Intel, Microchip (thiết kế và sản xuất chip xử lý), SHTPLabs, UVP, Greenvity, Hải Nam, MK, Datalogic… (cảm biến, linh kiện bán dẫn, camera, board mạch…), SHTPLabs, FPTS.oftware, Realtime Robotics, Datalogic (phát triển phần mềm, thuật toán). Về nguồn nhân lực cho AI, cũng dần được xây dựng, đào tạo thành các nhóm dự án về AI như nhóm dự án xe tự hành của Công ty FPT, nhóm dự án máy quét mã vạch 3 chiều của Công ty Datalogic...

Ứng dụng AI vào mục tiêu cụ thể

TPHCM hiện đang đối mặt với các vấn đề như: Ùn tắc giao thông, ngập úng, triều cường, ô nhiễm môi trường, quá tải tại các bệnh viện, nhân lực chất lượng cao còn thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, lãng phí tài nguyên nước - điện; thủ tục hành chính chưa đồng bộ, tai nạn giao thông… Những vấn đề này, công nghệ AI có thể giúp TPHCM giải quyết. Ví dụ như, AI cho một chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số; AI cho một ngành dịch vụ thông minh và du lịch thông minh; AI để giao thông an toàn; AI cho chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn; AI cho giải quyết vấn đề liên quan đến môi trường… 

Do đó KCNC đề xuất TPHCM một số ý kiến để phát triển công nghệ AI, cụ thể: tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo chuyên sâu; xây dựng các chuẩn mực trong đào tạo và trong sản phẩm qua các chương trình dự án hợp tác quốc tế; xây dựng các trung tâm dữ liệu của quốc gia, địa phương, doanh nghiệp và cùng chia sẻ, khai thác để đạt được hiệu quả cao… Ứng dụng AI dựa trên khai thác dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội (phân tích, dự báo và hoạch định chính sách cho TP), như: y tế (dự báo về bệnh dịch cho công tác phòng ngừa); an toàn giao thông; an ninh trật tự; môi trường; chống ngập; cải cách hành chính; phát triển nông nghiệp… Đồng thời thúc đẩy Khu công viên Khoa học sớm đi vào hoạt động để thu hút thêm các tập đoàn công nghệ đầu tư mạnh cho AI.

Về phía KCNC, tiếp tục thực hiện vai trò, sứ mệnh trở thành đầu tàu KH-CN của thành phố và xây dựng KCNC có môi trường sống xanh - sạch - hiện đại. Ban Quản lý KCNC cũng đề ra 6 mục tiêu để phát triển công nghệ AI, gồm: Thu hút các công ty, tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm; nâng cao năng lực trong nghiên cứu, phát triển công nghệ AI; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực AI; tìm kiếm và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ AI; thu hút chuyên gia, hợp tác liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển công nghệ AI; triển khai ứng dụng AI trong một số hoạt động của KCNC.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long (Giám đốc Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung): 

Cần chính sách nhất quán về phát triển hệ sinh thái AI

Giải quyết các bài toán lớn cho đô thị thông minh ảnh 1
Đối với Việt Nam, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có chính sách nhất quán và quyết liệt nhằm đưa ngành công nghiệp AI và các ứng dụng liên quan phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, Việt Nam cần nhanh chóng xác định được mục tiêu của mình, đầu tư vào các ứng dụng nhằm thúc đẩy các ngành công nghệ và khoa học có ảnh hưởng lớn tới sự thành công của AI.  

Chúng tôi mong muốn đề xuất một số giải pháp và chính sách như sau: Chính phủ cần sớm đưa ra một chiến lược quốc gia về AI nhằm quy tụ nhân lực và các nguồn lực vào một số ứng dụng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước liên quan đến an ninh, quốc phòng, nông nghiệp… và những lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh.

Nhà nước cần đầu tư và tạo ra một số lab nghiên cứu trọng điểm, có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các hội công nghệ tham gia vào quá trình đào tạo; tập trung một số chính sách nhằm ưu tiên các công ty công nghệ dựa trên AI, xem AI như là một trong những điều kiện khuyến khích khi tham gia đấu thầu các dự án công nghệ có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; tổ chức, triển khai xây dựng một ứng dụng mang tầm vóc quốc gia, có giá trị cao cho xã hội với mục đích tạo ra một hệ sinh thái hoàn thiện AI; ban hành các chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu trong các hoạt động liên quan đến ứng dụng AI đối với các hệ thống dịch vụ công.

TS Đặng Hoàng Vũ (Giám đốc Khoa học tại Ban Công nghệ FPT):

Nên đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao về AI

Giải quyết các bài toán lớn cho đô thị thông minh ảnh 2
Trong bối cảnh công nghệ AI nói riêng và Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, hoạt động kinh tế xã hội xoay quanh các công nghệ này đang diễn ra rất sôi động. Các đơn vị nhà nước, tư nhân và nước ngoài đều đẩy mạnh việc phát triển, ứng dụng và khai thác công nghệ AI. TPHCM là địa phương có sức mạnh kinh tế, kỹ thuật sẽ thu được nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cũng như cơ hội phát triển từ công nghệ AI và các công nghệ liên quan. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao đã bắt đầu trở thành hạn chế cho việc phát triển của thị trường này. Trước thực tế này, TPHCM nên có chính sách phát triển nguồn lực công nghệ nói chung và AI nói riêng để duy trì đà phát triển của nền kinh tế công nghệ cao, giữ vững vị trí đầu tàu trong cả nước và vươn ra khu vực.

Để phát triển nhân lực AI, cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục đào tạo về công nghệ, đặc biệt là AI, tại các đại học và học viện công nghệ. TP nên có cơ chế khuyến khích kết hợp kiểm soát để đảm bảo mặt bằng chất lượng được giữ vững và nâng cao, tránh tình trạng đào tạo tràn lan nhưng không đáp ứng được nhu cầu chuyên môn. Bên cạnh đó, TP nên đưa ra các ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp xúc với nguồn nhân lực mới, tạo môi trường chung cho cộng đồng công nghệ tham gia trao đổi, bồi dưỡng lẫn nhau.