Giải quyết dứt điểm việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

Ngày 6-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) chủ trì phiên họp thứ 18 của BCĐ theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh thành. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các bộ ngành; lãnh đạo các địa phương. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì tại điểm cầu TPHCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh thành. Ảnh: QUANG PHÚC
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh thành. Ảnh: QUANG PHÚC

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường

Theo báo cáo của BCĐ, trên thế giới đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong 7 ngày vừa qua, có 16 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận số ca tử vong cao, từ 100 ca trở lên. Tại Việt Nam, tháng 10 cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với tháng trước; 15 ca tử vong, giảm 16 ca. Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, mới nhất là biến thể phụ BA.2.75.

Đối với công tác tiêm vaccine, tính đến hết ngày 2-11, cả nước đã tiêm hơn 262 triệu mũi vaccine Covid-19. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%. Riêng trong tháng 10, cả nước tiêm được 1,9 triệu mũi vaccine, trung bình mỗi ngày tiêm được 60.000 mũi, giảm so với trung bình tháng 9 (100.000 mũi/ngày), tháng 8 (350.000 mũi/ngày) và tháng 7 (430.000 mũi/ngày).

Trong đó, việc tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi rất thấp; tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở một số địa phương chưa đạt tiến độ. Vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Có tình trạng né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt như mong muốn. Bên cạnh đó xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp; nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi luôn hiện hữu. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hầu hết các nghiên cứu nhận định rằng tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19, chưa thể xác định việc thanh toán cũng như loại trừ dịch Covid-19. Do đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine Covid-19.

Ai không dám làm, đứng sang một bên

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tại Kết luận 42 ngày 20-10-2022, Trung ương vẫn xác định phải phòng, chống dịch Covid-19 tốt hơn nữa để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, năm 2023 và những năm tiếp theo. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo Covid-19 vẫn trong giai đoạn đại dịch. Ở trong nước, cùng với dịch Covid-19, xuất hiện một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ; tình trạng xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, do đó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để dịch chồng dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vaccine. Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm vaccine theo các mục tiêu đã đề ra, có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vaccine, đáp ứng yêu cầu của các địa phương; không để thiếu vaccine. 

Thủ tướng cũng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được. Việc thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, “nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên”.

Thủ tướng yêu cầu tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời đề xuất điều chỉnh và có cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình, bối cảnh mới; đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong. Bên cạnh đó, quan tâm công tác tiêm vaccine mở rộng; tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ… Bộ Ngoại giao tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine.

TPHCM đề nghị Bộ Y tế cấp nhanh vaccine để tiêm cho trẻ

Tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết việc cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng (TCMR) bị gián đoạn từ tháng 5, dẫn tới việc TP không còn vaccine sởi và bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), vaccine sởi - Rubella (MR), vaccine viêm não Nhật Bản (VNNB) và bại liệt uống ván (bOPV). Vaccine lao và DPT-VGB-Hib (SII) dự kiến sẽ hết từ giữa tháng 12-2022… Sở Y tế TPHCM đã có văn bản báo cáo tình hình cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP và vaccine sởi, DPT gửi đến Bộ Y tế nhưng chưa nhận được văn bản phản hồi.

Giải quyết dứt điểm việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
“Nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine vẫn tiếp diễn có thể xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ nhỏ như sởi, bạch hầu, ho gà... trong đó, sởi là dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao nhất và sớm nhất. Đồng thời với sự xuất hiện của những biến thể phụ mới của Omicron và dịch bệnh lưu hành sốt xuất huyết, TPHCM hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó có cả nguy cơ dịch chồng dịch, nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế, biến động nguồn nhân lực y tế”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định và kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm cung cấp số vaccine còn thiếu cho TP để công tác tiêm chủng được thuận lợi, việc kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục