Để tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 13-CTrHĐ/TU ngày 16-3-2011 của Thành ủy TPHCM về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2010 - 2015, UBND TPHCM vừa xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu này.
- 100km² nội đô không còn ngập
Theo kế hoạch đó, TPHCM tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP (khoảng 100km²); kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới trên 5 vùng còn lại (khoảng 580km²); giai đoạn 2016 - 2020, giải quyết cơ bản ngập nước do mưa tại 5 lưu vực ngoại vi và phần diện tích còn lại của TP.
Cụ thể từ nay đến 2015, giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều tại khu vực trung tâm (diện tích 100km², dân số khoảng 3,3 triệu người); phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu, kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực Bắc Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm (các quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần các quận 6, 8, Bình Thạnh), khắc phục tình trạng ngập do thi công, hạn chế phát sinh các điểm ngập mới. Đối với 5 vùng thoát nước còn lại (580 km², dân số khoảng 3,4 triệu người), phấn đấu giảm 70% các điểm ngập nước do mưa, 50% các điểm ngập do triều; kiểm soát, ngăn chặn không cho phát sinh điểm ngập mới.
Giai đoạn 2016 - 2020: Giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa tại 5 vùng thoát nước và phần diện tích còn lại của thành phố vào năm 2020. Mở rộng khu vực bảo vệ chống ngập ngoài phạm vi nghiên cứu quy hoạch tiêu thoát nước (khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh). Giai đoạn 2021 - 2025: Giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa; giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do lũ và triều, có xét đến hiện tượng mực nước biển dâng cao trong tương lai trên toàn địa bàn TP.
Trên cơ sở các quy hoạch Chính phủ phê duyệt và kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học trong, ngoài nước, rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch theo hướng quy hoạch tích hợp để giảm thiểu nguy cơ ngập, làm cơ sở cho việc định hướng đầu tư ưu tiên trong từng giai đoạn, nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, nâng cao hiệu quả quản lý công tác chống ngập trên địa bàn. Tập trung quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và phát triển hạ tầng kỹ thuật. Tăng cường quản lý các quỹ đất, bảo đảm diện tích mặt nước, hệ thống sông rạch phục vụ tiêu thoát nước và chống ngập; quản lý chặt quỹ đất nông nghiệp, bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước (chiều rộng từ 50 - 800m) để hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái (chiều rộng từ 2.000 - 3.000m) dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè. Quản lý chặt chẽ việc san lấp và xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch, đầm hồ công cộng; quy hoạch tổng thể hệ thống và xây dựng các hồ điều tiết tại khu vực phù hợp, giảm sự gia tăng dòng chảy để hỗ trợ tiêu thoát nước...
- Ưu tiên nhiều nguồn vốn đầu tư
Để thực hiện kế hoạch này, TPHCM ưu tiên nguồn vốn ODA cho đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao và các cống kiểm soát triều; có kế hoạch bảo đảm đầu tư ngân sách để phát triển hệ thống thoát nước, hệ thống kiểm soát triều. Khuyến khích, huy động các nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng hệ thống thoát nước, đặc biệt là các nhà máy xử lý nước thải. Xây dựng lộ trình tăng phí thoát nước đảm bảo đến năm 2015, phí thoát nước đáp ứng đủ cho nhu cầu quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, xử lý môi trường nước.
Kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm trái phép để thực hiện việc nạo vét kênh rạch, kết hợp với chỉnh trang đô thị. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch xây dựng 1/2000, xác định mép bờ bao, xác định chính xác hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch để phục vụ cho công tác giải tỏa lấn chiếm kênh rạch trái phép. Phấn đấu đến cuối năm 2014 thực hiện cơ bản chương trình giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch làm cơ sở cho nhiệm vụ nạo vét, thông thoáng kênh, rạch thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.
Giai đoạn 2012 - 2015 thực hiện xong cơ bản chương trình chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch, tạo khoảng không phù hợp để tăng diện tích vùng đệm điều tiết nước và tạo cảnh quan đô thị... Tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư cho người dân tại các dự án, công trình đê bao, nạo vét kênh rạch phục vụ tiêu thoát nước; đồng thời kiên quyết di dời các trường hợp lấn chiếm xây cất trên kênh rạch, cửa xả, hệ thống thoát nước
Q.HÙNG - L.THIỆN