Qua khảo sát thị trường vật tư nông nghiệp cho thấy, phân bón giả, kém chất lượng, không ghi nhãn mác đúng quy định hiện đang ngập tràn khắp nơi. Điều này không những ảnh hưởng đến doanh nghiệp chân chính mà còn gây ngộ nhận cho nông dân, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng.
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Thực tế cho thấy, nạn phân bón giả hoành hành trong thời gian qua đã gây nhức nhối dư luận, làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng khiến người nông dân rơi vào cảnh khó càng thêm khó. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý những cơ sở, cá nhân làm phân bón giả, nhưng tình trạng vẫn không mấy được cải thiện. Nguyên nhân được cho là do chế tài xử lý không nghiêm, do siêu lợi nhuận nên các cơ sở làm giả vẫn ngang nhiên sản xuất và tung ra thị trường…
Một sai phạm rất phổ biến hiện nay là việc sản xuất một đằng, ghi trên bao bì một nẻo, thậm chí có đơn vị bị phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Đơn cử, Công ty Cổ phần Phân bón Việt Mỹ đã từng bị cơ quan quản lý tỉnh Bình Phước phạt mười triệu đồng về việc “thổi” hàm lượng ghi trên bao bì phân NPK chênh lệch với thực tế sản phẩm (cụ thể hàm lượng đạm ghi 4%, lân 2%, kali 2% song, thực tế kiểm tra thì độ đạm chỉ 0,6%, lân 0,22 %, kali 0,84% và phân 17-7-17-13S khi kiểm tra Sở Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông thông báo hàm lượng chỉ đạt 81% so với công bố trên bao bì). Công ty này vẫn tiếp tục vi phạm và năm 2012, Việt Mỹ lại bị phạt 26 triệu đồng tại Đắc Lắc và 25 triệu đồng tại Gia Lai. Thậm chí, công ty lại quảng cáo không đúng sự thật trên nhãn mác, bao bì. Phân bón Việt Mỹ tại Đắc Lắc đã bị phạt tổng số tiền 114 triệu đồng về việc vi phạm nhãn mác hàng hóa do không xuất trình được giấy chứng nhận các danh hiệu, giải thưởng in quảng cáo trên bao bì, đặc biệt là sử dụng dây chuyền sản xuất trong nước do Công ty Chính Mách cung cấp nhưng lại ghi trên bao bì quảng cáo bơm to thổi phòng để đánh lừa nông dân là “công nghệ của Mỹ”.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương, năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, đã xử lý 1.390 vụ vi phạm về sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng với số tiền phạt hơn 17 tỷ đồng. Cụ thể, mới đây Đội Quản lý thị trường tỉnh Đắc Lắc đã phát hiện 5 tấn phân bón Kali do Công ty TNHH TMDV Ba Vì xuất hóa đơn là phân bón giả.Và tháng 6 vừa qua, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng đã xử phạt ba công ty phân bón Việt Hoa, Việt Thái, Khai Anh chênh lệch về hàm lượng NPK quá lớn so với bao bì.
Loay hoay giải pháp
Theo quy định hiện hành, tại khoản 2, điều 10, Thông tư 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24-6-2010 của Bộ NN&PTNT về điều kiện sản xuất, gia công và kinh doanh phân bón, vô tình tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất phân bón nhỏ lẻ phát triển với chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng tới các DN phân bón. Theo đó, các cơ sở chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là được phép sản xuất khiến cho thị trường phân bón trở nên bát nháo, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Điều đáng nói, những cơ sở này chỉ sản xuất cầm chừng, chủ yếu mua sản phẩm từ những nơi khác về pha trộn, gia công kiếm lời.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, giá phân bón kém chất lượng thường chênh lệch với phân bón sản xuất đúng tiêu chuẩn đăng ký trung bình khoảng 2 triệu đồng/tấn.Với khoản lợi nhuận khá cao, các chế tài xử lý lại chưa đủ mạnh nên các doanh nghiệp làm ăn bất chính vẫn sống khỏe.
Một đại diện của Hiệp hội Phân bón chia sẻ: “Do phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện nên nhiều cơ sở đã tranh thủ việc buông lỏng quản lý này để gia nhập thị trường phân bón. Mô hình chung của các DN này là lập ra công ty nhưng không có nhà máy, đội ngũ nhân viên, kỹ thuật mà chỉ đặt hàng gia công của các công ty khác rồi về phân phối, kiếm nhanh lợi nhuận mặc chất lượng”.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng, nếu các cơ quan chức năng không sớm chấn chỉnh tình trạng này, đưa phân bón vào diện sản xuất, kinh doanh có điều kiện thì không chỉ có nông dân, doanh nghiệp sản xuất chân chính bị ảnh hưởng mà còn khiến cho sản xuất nông nghiệp đã khó lại càng khó hơn. Trong lúc chờ đợi sự vào cuộc từ phía cơ quan nhà nước, bản thân các DN phải nỗ lực để tự cứu mình. Thế nhưng, trong khi các DN phân bón lớn tự tin với lợi thế duy trì chất lượng sản phẩm thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có phần “lép vế” và hiện chưa có một giải pháp nào hữu hiệu. Đại diện một doanh nghiệp phân bón taiï tphcm nhận định: “Để bảo vệ mình, các DN cần thường xuyên tổ chức hội thảo, tuyên truyền cho nông dân, giúp họ phân biệt được các loại phân bón phù hợp với cây trồng cũng như nêu rõ tên những loại phân bón kém chất lượng. Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền, thì cũng rất khó để thắng được nạn phân bón rởm”.
Cẩm Nhi