(SGGP).- Ngày 20-6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị - quân sự Andrew J. Shapiro cùng đoàn đại biểu hai bên đã trao đổi về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu cùng lợi ích và quan tâm trong khuôn khổ đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng Việt – Mỹ thường niên lần thứ 5.
Tại đối thoại, hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ song phương trên cơ sở hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và cùng cam kết đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên khẳng định lợi ích chung trong việc nâng tầm quan hệ đối tác như đã thảo luận trong Đối thoại lần thứ 4 tại Washington D.C. hồi năm ngoái. Hai bên cũng thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, hợp tác thực thi pháp luật và chia sẻ thông tin, an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, cùng các lĩnh vực khác trong hợp tác quốc phòng như đã nêu trong Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký vào tháng 9-2011. Hai bên cam kết duy trì hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh như vấn đề tìm kiếm POW/MIA, rà phá bom mìn và tiếp tục xử lý vấn đề chất độc da cam - dioxin.
Nhận thức được vai trò quan trọng của Mỹ và Việt Nam trong việc duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, hai bên cũng thảo luận một cách toàn diện các vấn đề an ninh, phản ánh mức độ sâu rộng của mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước.
Đoàn đại biểu hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa hai nước tại các tổ chức khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Sáng kiến tiểu vùng sông Mekong (LMI).
Đại biểu hai bên đã trao đổi về những diễn biến hiện nay tại biển Đông và cho rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Mỹ tái khẳng định không đứng về bên nào trong các tuyên bố tranh chấp chủ quyền đối với các cấu trúc địa chất tại biển Đông. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm rằng các tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, không bị cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực; rằng các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và vùng biển đi kèm cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông giữa ASEAN – Trung Quốc năm 2002 (DOC) và quan tâm tới những tiến bộ hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông nhằm tạo khuôn khổ các quy tắc quản lý và điều tiết cách ứng xử của các bên tại biển Đông, trong đó có việc xử lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột.
Văn Nghĩa