Sau khi đăng bài “Thành phố sẽ giải quyết dứt điểm người lang thang, xin ăn” (số ra ngày 26-8), Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Theo dự thảo kế hoạch của Sở Lao động – Thương binh - Xã hội trình UBND TPHCM về giải quyết tình trạng người lang thang, ăn xin, thì từ nay đến năm 2013 (giai đoạn 1), các quận trung tâm của TP sẽ không còn người ăn xin. Đến năm 2015 sẽ mở rộng ra toàn địa bàn TP. Để thực hiện điều đó, một số biện pháp được đưa ra như: bắt buộc những người ăn xin ở các tỉnh phải trở về địa phương, hoặc đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để giáo dục văn hóa, dạy nghề cho họ, đồng thời mở rộng nhà lưu trú cho người lang thang, cơ nhỡ…
Theo tôi, ý tưởng trên rất hay, nhưng thực hiện khó, thậm chí bất khả thi, nếu lấy mốc hoàn thành vào năm 2015. Có người lấy bài học kinh nghiệm xóa tệ lang thang, ăn xin của Đà Nẵng để áp dụng cho TPHCM, nhưng quên rằng hai địa phương này có nhiều điểm khác nhau. Thí dụ: TPHCM diện tích rộng gần gấp đôi Đà Nẵng, dân số đông gấp gần chục lần, là một trung tâm kinh tế - văn hóa lâu đời, có “truyền thống” bố thí cho dân tứ xứ cơ nhỡ, đói nghèo đến ăn xin từ bao đời nay.
Chính quyền Đà Nẵng mấy năm qua xử lý vấn đề này rất kiên quyết, như “thưởng nóng” cho ai phát hiện một đối tượng ăn xin 200.000 đồng, đồng thời cho lực lượng tạm giữ, phân loại, xử lý ngay đối tượng theo quy định. Làm quyết liệt như thế, nhưng mấy năm qua, Đà Nẵng cũng chỉ xử lý hơn 1.000 trường hợp, và vẫn còn tiếp tục thực hiện đề án “Không có người lang thang, ăn xin giai đoạn 2010-2015”.
Vậy TPHCM liệu có làm nổi không với hơn 8.500 đối tượng lang thang, ăn xin (số liệu thống kê chắc chắn chưa đầy đủ), hay chỉ “bắt cóc bỏ dĩa” rồi… lắc đầu cho qua?
Thật ra cái gốc của tệ nạn lang thang, ăn xin là vấn đề phân phối thu nhập xã hội chưa công bằng (hiểu theo nghĩa tương đối), tình trạng phân hóa giàu nghèo… Mặt khác, trong xã hội cũng có một số người lười biếng, ăn bám, chỉ biết lợi dụng, sống dựa vào lòng tốt của kẻ khác.
Giải quyết được tận gốc các vấn đề trên là cả một quá trình lâu dài, với nhiều giải pháp đồng bộ như đã nêu; do đó từ nay đến năm 2015, theo tôi, nếu làm tốt, chúng ta cũng chỉ có thể hạn chế, làm giảm đáng kể tệ nạn trên, chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn như mong muốn chủ quan được.
Bởi lẽ khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương, ý thức tự giác vươn lên của mỗi người không phải là chuyện có thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều, thậm chí vài năm là xong được!
Phan Trọng Hiền
Trang 4 báo SGGP số ra ngày hôm qua (26-8) có bài viết về kế hoạch dự thảo của ngành lao động – thương binh – xã hội nhằm chấm dứt tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn TPHCM, trong đó đề ra nhiều giải pháp thuộc về phần việc của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo tôi, tất cả những điều đó là cần nhưng vẫn chưa đủ! Để có thể khắc phục triệt để tình trạng người lang thang, xin ăn thì dứt khoát phải có sự đồng thuận và tham gia thực hiện của người dân – những nhà hảo tâm. Nhiều người nói rằng không kềm được lòng trắc ẩn đối với trẻ em hoặc người cao tuổi phải đi ăn xin nên sẵn sàng cho tiền. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, báo đài cần tuyên truyền, phổ biến rộng và sâu hơn nữa để mọi người nắm vững và hiểu rõ rằng hiện nay Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để chăm lo cho những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn. Diện đối tượng nào cũng có nơi thích hợp tiếp nhận để nuôi dưỡng, chăm sóc (các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà mở, mái ấm v.v...). Nếu muốn làm từ thiện, người dân có thể đóng góp hoặc trực tiếp đến những nơi trên để nhường cơm, sẻ áo. Người Việt Nam vốn có truyền thống nhân hậu, tương thân tương ái. Thế nhưng, lòng tốt cần được đặt đúng chỗ, đúng địa chỉ. Nếu không, lòng tốt ấy có thể sẽ gián tiếp gây ra một tệ nạn xã hội hoặc vô hình trung sẽ tiếp tay gây ra tội ác. Vương Thảo
Rất nhiều người ăn xin ngày nay là nam nữ, thanh niên, thân hình khỏe mạnh, ăn mặc bảnh bao, có người khoác ba lô, người đeo túi vậy mà cũng cứ ăn xin với đủ mọi lý do: quê hương bị thiên tai, lũ lụt, hạn hán, nhỡ tàu, nhỡ xe, bị mất cắp, đi bệnh viện thiếu tiền thuốc men... Bịp bợm hơn lại có người đóng giả tăng ni đi khất thực. Có người đóng vai sư sãi, vãi chùa đi phát tâm công đức để xây dựng, trùng tu, sửa sang một đền chùa nào đó, nhằm quyên góp của những người hảo tâm nhẹ dạ. Mong rằng các địa phương nên hỗ trợ với Sở LĐTB-XH TPHCM đẩy lùi tệ nạn ăn xin ở TPHCM một cách triệt để. Bên cạnh đó, Sở LĐTB-XH TPHCM cũng nên phối hợp với các tỉnh, thành bạn để thống nhất biện pháp, quản lý tốt những người hành nghề ăn xin chuyên nghiệp và có biện pháp giải quyết việc làm, tạo vẻ mỹ quan ở đô thị, thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng. Không chỉ người dân thành phố mà ngay cả những ai đến TPHCM cũng đều mong mỏi không còn cảnh ăn xin làm mất thể diện của một thành phố lớn của cả nước. Lê Quang Huy |
Thông tin liên quan |
- Vụ “Sư giả tái xuất”: Đưa 10 sư giả về Trung tâm Hỗ trợ xã hội |