Giải thưởng Hội Nhà văn 2010: Mới mẻ và ấn tượng

Dường cái lạnh như cắt da cắt thịt với những cơn gió mùa Đông Bắc đang vần vũ suốt nhiều ngày nay ở miền Bắc không có chỗ trong lễ trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, được tổ chức sáng 23-1 tại Hà Nội. Bầu không khí trong buổi lễ thật sự sôi động. Đây là một kỳ trao giải được nhiều hội viên đánh giá là mới mẻ và ấn tượng.
Giải thưởng Hội Nhà văn 2010: Mới mẻ và ấn tượng

Dường cái lạnh như cắt da cắt thịt với những cơn gió mùa Đông Bắc đang vần vũ suốt nhiều ngày nay ở miền Bắc không có chỗ trong lễ trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, được tổ chức sáng 23-1 tại Hà Nội. Bầu không khí trong buổi lễ thật sự sôi động. Đây là một kỳ trao giải được nhiều hội viên đánh giá là mới mẻ và ấn tượng.

  • Giải thưởng đặc biệt dành cho tác phẩm đặc biệt

Có lẽ đây là lần đầu tiên số lượng các tác phẩm thuộc thể loại tạp văn, tản văn lọt vào vòng chung khảo giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn nhiều nhất (3 tác phẩm). Cuối cùng, tập tản văn của nhà thơ Y Phương đã được trao tặng bằng khen, điều đó cho thấy chất lượng của tác phẩm mới là vấn đề quan trọng chứ không phải vấn đề thể loại.

Hai tác giả được giải thưởng Hội Nhà văn 2010.

Hai tác giả được giải thưởng Hội Nhà văn 2010.

Nhận xét về “Dị hương”, tác phẩm giành được số phiếu ủng hộ tuyệt đối của hội đồng, nhà văn Nguyễn Khắc Trường cho rằng tác phẩm này của Sương Nguyệt Minh vừa đậm chất thời sự, vừa có chiều sâu ý tưởng và mỗi truyện đều có sự làm mới cả về nội dung và hình thức. Sương Nguyệt Minh không phải là người viết trẻ, mà đã viết nhiều, in nhiều và cũng nhận được nhiều giải thưởng văn học. Nhưng phải đến “Dị hương” mới thấy Sương Nguyệt Minh thực sự chín về nghề, có tư duy nghệ thuật độc lập, vững chắc.

Sương Nguyệt Minh đã viết lên một câu chuyện vừa thực, vừa ảo, khiến người đọc bâng khuâng, bùi ngùi. Như trong “Đêm thánh vô cùng” kể về một người đi máy bay suýt bị tai nạn về thuật lại với vợ con đầy xúc động song dường như không ai quan tâm, vợ còn đánh một câu: Nghe nói nếu bị tai nạn máy bay mà có bảo hiểm thì được đền bù khá lắm…

Nhiều truyện của anh có chất sex mạnh, nhưng không rơi vào tình dục tầm thường, mà qua đấy, để nói cái đẹp hơn, nhân văn hơn. Các truyện đều thấp thoáng một nụ cười hài hước, khiến câu chuyện có duyên và lôi cuốn. “Tập truyện được viết đều tay của một tác giả đã chín về nghề”- nhà văn Nguyễn Khắc Trường khẳng định.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan lại là một gương mặt rất mới. Ngày đầu tiên chị chính thức được công nhận là Hội viên Hội Nhà văn cũng là ngày chị được đón nhận Giải thưởng Hội Nhà văn 2010. Cả hội trường Hội Nhà văn đã vô cùng xôn xao, xúc động khi cô gái mỏng manh, bé nhỏ Nguyễn Bích Lan bước lên nhận giải thưởng. Sức khỏe đã không cho phép cô tự mình bước lên sân khấu nhận giải, cũng không thể tự mình ôm trọn bó hoa chúc mừng của Hội, nhưng một lần nữa sự nghiệt ngã của số phận đã không thể ngăn trở cô đến với văn chương.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan đến với công việc dịch thuật một cách tình cờ từ sự gợi ý của người thân. Năm chị học lớp 8, căn bệnh rối loạn dưỡng cơ dẫn đến suy tim độ 2 đã ngăn trở con đường đến trường của Bích Lan. Với sự động viên của gia đình cùng nghị lực phi thường chị đã tự học ngoại ngữ và tìm đến với văn học dịch. Năm 2002, chị gửi bản dịch cuốn “Đừng nghi ngờ tình yêu của anh” (Australia) đến NXB Phụ Nữ và cuốn sách đã đến tay độc giả ngay trong năm đó.

Những năm tiếp theo, Bích Lan liên tục hoàn thành các đầu sách mới như “Không có chỗ cho tình yêu” (Mỹ), “Vũ điệu trái tim” (Mỹ), “Hứa yêu” (Mỹ), “Nghìn khuôn mặt của đêm” (Ấn Độ), “Người đàn ông đào hoa”… Và tác phẩm dịch “Triệu phú ổ chuột” được trao tặng Giải thưởng Hội Nhà văn đã viết tiếp câu chuyện diệu kỳ về người dịch giả Bích Lan, người vượt lên trên số phận.

  • Thơ vẫn lỗi hẹn với giải thưởng

Đây là nằm thứ 3 liên tiếp không có giải thưởng cho thơ. Năm nay, Hội đồng chung khảo giành nhiều thời gian suy nghĩ và tranh luận về hai tập theo vào chung khảo của hai tác giả vốn đã rất nổi tiếng là Việt Phương và Thanh Thảo. Nhưng hai tác phẩm thơ này của hai tác giả đã không cho thấy có sự đột phá trong sự nghiệp sáng tạo thơ ca của chính họ và không tạo ra sự đột phá so với mặt bằng thơ năm 2009.

Hơn thế, như BCH Hội Nhà văn khóa 8 đã thống nhất, giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm là trao cho những tác phẩm xuất sắc thuộc một hoặc tất cả các thể loại văn học chứ không bắt buộc phải trao đủ cho các thể loại văn học. Do đó: “Việc gây áp lực của dư luận đối với việc không có giải thưởng thơ 3 năm liền chỉ có thể đòi hỏi của bạn đọc với các nhà thơ chứ không phải là vấn đề của việc xét giải” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Trong quá trình xét giải, có một sơ xuất đã dẫn đến việc tác phẩm “Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh”- tập truyện thiếu nhi của nhà văn Quế Hương lọt vào vòng chung khảo trong khi tác phẩm này chưa đủ yếu tố để xét giải vì đó là một tuyển tập. Cá nhân nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể trao giải cho tuyển tập (tác phẩm là tuyển tập truyện ngắn thiếu nhi của Quế Hương, mà theo quy chế xét giải thì không xét cho các tuyển tập hoặc tổng tập) mặc dầu cuốn sách rất thú vị.

Chính sự cố này đã khiến con số 3 tác phẩm được trao Giải thưởng Hội Nhà văn chỉ còn 2 tác phẩm là “Dị Hương”- tập truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh và dịch giả Nguyễn Bích Lan với tác phẩm dịch “Triệu phú ổ chuột” (dịch từ nguyên tác tác phẩm của Vikas Swarup, Nhã Nam & NXB Văn Học).

Ba tác phẩm được trao bằng khen là: “Thế giới xô lệch” (tiểu thuyết của Bích Ngân; NXB Văn Nghệ), “Tháng giêng tháng giêng, một vùng dao quắm” (tập tản văn của Y Phương; NXB Phụ Nữ) và “Quà của Chúa” (tiểu thuyết của Dorota Terakowska, bản dịch của Lê Bá Thự, NXB Phụ Nữ).

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, dự kiến giữa năm 2011, Quy chế xét giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn sẽ được hoàn tất. Nếu Quy chế mới được thực hiện sẽ tạo ra nhiều “quyền lực” hơn cho các Hội đồng chuyên môn đối với giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục