Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Giữ mãi lửa đam mê

Chúng tôi tìm gặp anh Trương Anh Văn, Tổ trưởng Tổ điện Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất tại văn phòng công ty, tọa lạc trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) vào một chiều mưa dầm đầu tháng 8. Người thợ trẻ dáng người gầy gầy, gương mặt xương xương trông thật giản dị với bộ đồng phục người thợ màu xám. Suốt cuộc trò chuyện, anh rất ít lời nói về mình nhưng ánh lên trong đôi mắt sáng ấy lại cháy bỏng niềm đam mê sáng tạo mà chúng tôi cảm nhận được qua phần thuyết trình về những sáng kiến cải tiến kỹ thuật mà anh đã thực hiện những năm qua.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Giữ mãi lửa đam mê

Chúng tôi tìm gặp anh Trương Anh Văn, Tổ trưởng Tổ điện Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất tại văn phòng công ty, tọa lạc trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) vào một chiều mưa dầm đầu tháng 8. Người thợ trẻ dáng người gầy gầy, gương mặt xương xương trông thật giản dị với bộ đồng phục người thợ màu xám. Suốt cuộc trò chuyện, anh rất ít lời nói về mình nhưng ánh lên trong đôi mắt sáng ấy lại cháy bỏng niềm đam mê sáng tạo mà chúng tôi cảm nhận được qua phần thuyết trình về những sáng kiến cải tiến kỹ thuật mà anh đã thực hiện những năm qua.

Anh Trương Anh Văn bên dây chuyền đóng gói tự động do anh và các cộng sự thiết kế, chế tạo.

Anh Trương Anh Văn bên dây chuyền đóng gói tự động do anh và các cộng sự thiết kế, chế tạo.

Trăn trở

Tìm hiểu từ tài liệu báo cáo thành tích tham gia Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 13 năm 2013 của Trương Anh Văn, chỉ trong 5 năm (từ 2008 đến 2012), chàng thanh niên 30 tuổi xứ Quảng có thâm niên 10 năm công tác tại Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất đã thực hiện đến 15 sáng kiến cải tiến kỹ thuật; trong đó có 5 sáng kiến của cá nhân anh và 11 sáng kiến anh cùng thực hiện với đồng nghiệp với tổng giá trị làm lợi cho đơn vị lên đến tiền tỷ.

Được hỏi, trong 15 sáng kiến ấy thì “đứa con” nào mà anh cảm thấy có ý nghĩa nhất? Văn bộc bạch, sáng kiến đầu tiên và sáng kiến vừa kết thúc hồi tháng 5 năm 2013 - có ý nghĩa quan trọng góp phần vào thành tích chung để anh được giải thưởng Tôn Đức Thắng lần 13 này, là 2 trong số sáng kiến mà anh tâm đắc nhất. Nói cách khác, để có được những “đứa con” này, theo tâm sự của Văn thì bản thân anh cũng như cộng sự của mình đã phải lao tâm khổ trí rất nhiều, có lúc tưởng chừng như bế tắc, buông xuôi.

Là đơn vị sản xuất sản phẩm cao su kỹ thuật cao hàng đầu của cả nước, Công ty Cao su Thống Nhất đang sản xuất hơn 2.000 sản phẩm xuất khẩu 100% sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Văn nhớ lại, đơn vị anh thực hiện đơn hàng sản xuất sản phẩm ron của ống khói để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Trước năm 2009, loại máy ép bằng 383-384 sản xuất loại sản phẩm này hoạt động điều khiển hoàn toàn thủ công bằng tay nên cho năng suất lao động thấp và chỉ sử dụng duy nhất 1 loại khuôn ép. Mỗi ngày tương tác với máy là mỗi ngày anh trăn trở cách cải tiến sao cho máy hoạt động hiệu quả hơn.

Mày mò, suy nghĩ, rồi bằng kinh nghiệm chuyên môn, cộng với kiến thức về công nghệ tự động hóa lập trình mà anh tích lũy qua các khóa tham gia bồi dưỡng tại Trường ĐH Tự nhiên và ĐH Bách khoa đã giúp anh thành công trong việc cải tiến máy ép bằng 383-384 để vận hành hoàn toàn tự động. Việc tự động hóa vận hành toàn bộ dây chuyền sản xuất sử dụng được cho nhiều khuôn ép, tiết kiệm điện năng và tăng năng suất lao động, giảm được thời gian thao tác vận hành máy.

Cải tiến để tiết kiệm

Riêng dây chuyền máy đóng gói sản phẩm deck là do anh và đồng nghiệp thiết kế và chế tạo. Trước đó, đơn vị anh chỉ sản xuất ra sản phẩm deck, sau đó, toàn bộ sản phẩm được chuyển cho phía đối tác nước ngoài đóng gói. Nhưng từ năm 2012, phía đối tác giao đơn vị anh phải đảm nhận luôn khâu đóng gói sản phẩm. Trước yêu cầu này, ban lãnh đạo công ty chỉ đạo bộ phận cơ khí và bộ phận điện của anh phối hợp thiết kế, chế tạo dây chuyền. Chỉ trong 3 tháng nghiên cứu, thiết kế, lập trình, nhóm nghiên cứu của anh đã thành công trong việc chế tạo toàn bộ dây chuyền đóng gói tự động từ khâu in ấn, đến khâu ra sản phẩm cuối cùng.

Với vai trò đảm nhận chính thiết kế phần điện, Văn chia sẻ: “Khó nhất khi chế tạo dây chuyền đóng gói sản phẩm deck là ở khâu nghiên cứu lập trình phần điện vì phải tính toán thật chi tiết, tính chính xác cao để cả dây chuyền khi vận hành tự động từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra phải thật chuẩn và mang tính ổn định”.

Ở cái tuổi đầy nhiệt huyết của sức trẻ, trung bình mỗi năm, Trương Anh Văn với vai trò sáng tạo cá nhân cũng như phối hợp với các cộng sự đã nghiên cứu, cải tiến cho ra đời đến 3 công trình kỹ thuật - một thành tích không phải dễ dàng có được. Để làm được điều này đòi hỏi người làm kỹ thuật luôn phải chú tâm, suy nghĩ về công việc của mình ngay cả khi ăn, khi ngủ và khi thấy điều gì đó còn sự bất hợp lý, còn lãng phí thì phải tìm cách cải tiến nó. Mục đích cuối cùng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Với Văn, kết quả đó có được là nhờ ngọn lửa đam mê sáng tạo.

“Doanh nghiệp xuất khẩu đang bị cạnh tranh về giá rất khốc liệt nên một trong những giải pháp được ban giám đốc công ty đề ra là phải luôn cải tiến để sử dụng hiệu quả nguồn điện, nâng cao năng suất lao động. Những sáng kiến kỹ thuật của ban kỹ thuật điện nói chung và của anh Trương Anh Văn nói riêng đã giúp công ty thực hiện được mục tiêu này”, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất chia sẻ.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục